Chính trị - Xã hội

Thủ tướng nói đúng nhưng hệ thống có chuyển động không?

11:08, 17/08/2016 (GMT+7)

Tại hội nghị trực tuyến về công tác cải cách hành chính đang diễn ra sáng nay 17-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã rất nhiều lần người dân nói với ông như vậy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 17-8 - Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sáng 17-8 - Ảnh: Quang Hiếu

“Người ta nói với tôi rất nhiều lần rằng: anh nói rất đúng, anh nói phải đấy, nhưng hệ thống của anh có chuyển không, có thực sự phục vụ nhân dân không?” - Thủ tướng cho biết.

Ông cho rằng đội ngũ cán bộ, công chức sát dân, sát doanh nghiệp mà nhũng nhiễu thì cản trở sự phát triển.

Theo Thủ tướng, từ lâu Đảng đã nhìn thấy thực trạng bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực hiệu quả, cán bộ không làm gương, còn nhũng nhiễu, quan liêu, không sát dân, không phục vụ được phát triển…

Từ những yếu kém, tồn tại đó, Đảng đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hành chính, từ công tác cán bộ đến phương pháp làm việc, điều hành.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các đồng chí phải tổng kết một cách thực chất, làm sao đánh giá tình hình và giải pháp phải sát thực tiễn, chứ không phải là tổng kết hình thức.

Chính vì vậy tinh thần nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc, vướng mắc nhất hiện nay trong bộ máy, trong đội ngũ cán bộ công chức, trong thể chế pháp luật của chúng ta, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương… cần phải đặt ra”.

“Nếu cứ nói thực trạng, giải pháp chung chung thì không ổn”.

Thủ tướng nêu nhiều câu hỏi: Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển. Vậy thì tinh thần đó được chỉ đạo thế nào?

Điều mà chúng ta đang nói về liêm chính, hành động, kiến tạo là ở Chính phủ trung ương, chứ các cấp, các ngành, đến các địa phương, từ tỉnh đến huyện đến xã, những nơi trực tiếp với dân có chuyển biến không?.

"Đâu là hành động chúng ta cần phải làm để đem lại niềm tin của nhân dân? Chứ nếu chỉ hô ở trên, rồi chỉ đến cấp tỉnh, còn lại ở dưới không chuyển thì không được”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Khâu yếu nhất là cán bộ?

Thủ tướng nói tiếp: "Tại hội nghị này, chúng ta phải tìm được khâu yếu nhất là gì? Theo tôi là cán bộ. Anh cải cách trời, thủ tục nhiều, nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm. Bộ máy đông mà không mạnh thì chúng ta cải cách thế nào?”. 

Thủ tướng cho biết hiện nay khoảng 2,6 triệu người hưởng lương nhà nước. Nhưng mà viên chức thì rất lớn, trên 2 triệu người.

“Vậy thì khâu xã hội hóa phải tiến hành thế nào, có mạnh mẽ không? Phải nâng cao chất lượng phục vụ, tự trang trải kinh phí, nhà nước chỉ nắm những khâu quan trọng. Từ đó để giảm số lượng biên chế nhà nước xuống, để có thể cải cách tiền lương” - ông nói.

“Ví dụ ở lĩnh vực y tế xã hội hóa đã thành công chưa? Chính người bệnh nuôi bác sỹ, nuôi cán bộ y tế đấy. Vậy thái độ chúng ta thế nào để người bệnh hài lòng. Các bộ từ cấp cơ sở trở lên hưởng lương là từ tiền thuế của dân chứ không ai khác đâu”.

Hội nghị trực tuyến sáng 17-8 - Ảnh: Quang Hiếu
Hội nghị trực tuyến sáng 17-8 - Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Thủ tướng, phó thủ tướng chủ trì hội nghị này đều rất muốn nghe các đồng chí nói về những giải pháp để thực hiện công cuộc cải cách hành chính thành công trong giai đoạn tới. Các năm 2016, 2017 phải làm những việc cụ thể gì để cải cách mạnh mẽ hơn. Chứ nếu nói chung quá thì không thực hiện được”.

“Tôi nói ví dụ như Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin rộng rãi, làm sao để Thủ tướng Chính phủ nói chuyện trực tiếp với cấp xã? Phải tăng cường công khai, minh bạch thì mới được.

Chỗ này đất đai cần giải quyết, chỗ kia dân bất bình vẫn diễn ra hàng ngày, rất vô lý. Một hệ thống cán bộ, giải quyết công việc hành chính như thế thì sao dân tin được. Chúng ta phải sửa, phải minh bạch hóa, điện tử hóa. Chính phủ điện tử chính là phục vụ trực tiếp quyền lợi của người dân”.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi xin nói với các đồng chí: cái gì dân cũng biết hết. Cán bộ làm gì dân cũng biết, chứ không phải là không biết đâu. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình”.

“Chúng ta hội nhập với quốc tế rồi, chúng ta mà lạc hậu quá thì người ta khó chấp nhận. Phải cải cách từ tỉnh, huyện, xã đến địa bàn dân cư, để người ta thấy bộ máy hành chính của chúng ta phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển của đất nước, lấy lại niềm tin của nhân dân”.

Theo Tuổi trẻ

.