Chính trị - Xã hội

Trùng tần số, Đài Truyền thanh Hòa Khương phát tiếng Pháp

09:14, 30/08/2016 (GMT+7)

Theo phản ánh của một số người dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang), vào khoảng 8 giờ 45 ngày 27-8, họ rất bất ngờ khi nghe loa phát thanh của xã phát toàn tiếng nước ngoài.

Ông Trà Đức, Trưởng thôn La Châu (xã Hòa Khương) cho biết, thời điểm trên, ông và đông đảo người dân trong thôn nghe trên cả 2 cụm loa phóng thanh của thôn đều phát tiếng nước ngoài nhưng không ai hiểu nội dung. Sau đó, ông mời đại diện nhân dân thôn và ông Nguyễn Thập, cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã đến lập biên bản ghi nhận sự việc và xử lý sự cố bằng cách ngắt nguồn điện trực tiếp vào hệ thống tiếp sóng loa phát thanh.

Ông Nguyễn Thập cho hay, khi nắm thông tin, ông có ghi âm lại một đoạn. “Sau đó, tôi cố gắng khắc phục nhưng không được nên báo lãnh đạo xã, đồng thời ngắt toàn bộ nguồn của hệ thống đài tại trụ sở xã. Tuy nhiên, tất cả 34 cụm loa truyền không dây ở các thôn thì vẫn liên tục phát ra tiếng nước ngoài. Nhiều người cứ tưởng là tiếng Trung Quốc nhưng xác minh thì không phải”, ông Thập nói và cho biết, sau đó lực lượng của đài đi từng khu vực để ngắt điện các cụm loa. Đến 21 giờ cùng ngày, toàn bộ các cụm loa được ngắt. Qua khảo sát, có 7 loa và 3 IC bị hư hỏng do sóng lạ.

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương cũng xác nhận sự cố trên và cho biết, trước đó vài lần, tại xã cũng xảy ra trường hợp nhiễu sóng tương tự nhưng chỉ kéo dài khoảng vài phút. Riêng sự cố ngày 27-8 là hiện tượng nhiễu nặng nhất (8 giờ 45 - 21 giờ cùng ngày).

Ông Trần Văn Sâm, Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Hòa Vang cho hay, tần số 104MHz mà Đài Truyền thanh không dây xã Hòa Khương đang sử dụng được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép lần đầu năm 2010, có giá trị đến năm 2020. Hằng ngày, đài phát sóng 3 khung giờ vào hơn 1 giờ đầu buổi sáng, 20 phút buổi trưa và 45 phút chiều tối. Bình thường đều phát tốt và không có hiện tượng lạ.

Ông Trương Công Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 3 (đóng tại Đà Nẵng) cho biết, đơn vị đã xử lý bước đầu về sự cố này. “Qua xác minh có thể xác định sự cố gây ra can nhiễu ở Đài Truyền thanh xã Hòa Khương là do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Đà Nẵng đưa vào phát sóng thử nghiệm chương trình tiếng nước ngoài có trùng tần số 104MHz. Tần số này đã được Cục cấp phép cho VOV vào tháng 10-2015, song đến ngày 27-8, VOV mới đưa vào thử nghiệm thì gây ra hiện tượng can nhiễu sóng. Còn tiếng mà Đài phát ra và chèn sóng của Đài xã Hòa Khương hôm đó là tiếng Pháp chứ không phải tiếng Trung Quốc”, ông Hạnh cho hay.

Theo ông Hạnh, trước đó, ngày 12-10-2015, Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã có Công văn số 2765/CTS-ADCP thông báo về việc “sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện” gửi UBND của 6 xã và 3 phường của các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, trong đó có UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Công văn nêu rõ, theo quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, băng tần 87-108MHz được phân bổ cho phát thanh FM, phát thanh số.

Tần số 104MHz đã được cấp phép cho VOV để phát sóng chương trình tiếng nước ngoài. Do đó, khi tần số phát sóng của VOV phát mà làm ảnh hưởng can nhiễu thì các đơn vị phải có công văn thông báo với Cục Tần số vô tuyến điện tính toán, ấn định kênh tần số khác trong băng tần 87-108MHz. Trong trường hợp không còn kênh tần số khả thi trong băng tần này thì phải chuyển đổi về đúng băng 54-68MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây.

“Chúng tôi đã giải thích và tính toán để cấp lại ngay một tần số cho Đài Truyền thanh xã Hòa Khương . Trước mắt, phía địa phương cần làm văn bản báo cáo cụ thể để chúng tôi có cơ sở pháp lý cấp giấy phép ở tần số mới phù hợp”, ông Hạnh cho biết.

ĐẮC MẠNH

.