Chính trị - Xã hội
Sửa luật nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình
Trong 2 ngày 7 và 8-9, tại Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo với sự tham gia của 70 hội viên và các chuyên gia trong nước để góp ý dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) và dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Các đại biểu nghe giới thiệu những nội dung cơ bản của 2 dự thảo luật và các nội dung còn có những ý kiến khác nhau. Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) lần này hoàn thiện hơn so với Luật TNBTCNN năm 2009 với những điểm mới như: Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường, quy định về phục hồi danh dự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường chặt chẽ hơn, quy định người yêu cầu bồi thường có thể tạm ứng ngay đối với thiệt hại có thể tính được mà không cần xác minh… Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi cũng hoàn thiện hơn với quy định về minh bạch tài sản và kiểm soát thu nhập; sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong PCTN.
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như bất cập trong quá trình triển khai hai luật này, đồng thời đề xuất những giải pháp sửa đổi luật phù hợp với điều kiện thực tế và tương thích với các luật chuyên ngành khác cũng như hệ thống pháp luật chung của Việt Nam.
Các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật TNBTCNN đều theo hướng phải có một cơ chế hiệu quả để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực Nhà nước, phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đối với dự thảo Luật PCTN, ý kiến góp ý đề nghị phải có chế tài mạnh, hiệu quả nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong kê khai tài sản và kiểm soát thu nhập; có chế tài hiệu quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình; biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
S.TRUNG