Chính trị - Xã hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, New Zealand
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Nhật Bản bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand John Key |
Chiều 7/9, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp Thủ tướng New Zealand John Key.
Tại cuộc gặp, hai nhà Lãnh đạo khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – New Zealand; nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm khai thác tốt tiềm năng hợp tác, đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cần phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực trong 3 - 5 năm tới, trong đó ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp New Zealand đầu tư tại Việt Nam; đề nghị phía New Zealand tiếp tục tạo thuận lợi cho hàng nông sản Việt Nam, trước mắt là các mặt hàng trái cây đặc sản như chôm chôm, vú sữa, bưởi... sớm có mặt tại thị trường New Zealand; đề nghị phía New Zealand nới lỏng quy định về kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông, thuỷ sản Việt Nam vào New Zealand.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị New Zealand tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cấp học bổng giáo dục, tăng số lượng lao động Việt Nam tham gia Chương trình lao động kỳ nghỉ tại New Zealand... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn New Zealand chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp bền vững, hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thủ tướng John Key khẳng định phía New Zealand sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, nhất là về kinh tế - thương mại – đầu tư trong bối cảnh hai nước đều là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam có điều kiện khí hậu phù hợp để phát triển mạnh về nông nghiệp và New Zealand sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam cả về kinh nghiệm và công nghệ nhằm phát triển các ngành công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp chế biến, sữa.
Thủ tướng John Key ghi nhận các đề nghị về tiếp cận thị trường đối với các mặt hàng trái cây và nông sản của Việt Nam và hứa sẽ xem xét tích cực.
Về vấn đề khu vực, hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy các nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu trên.
** Chiều cùng ngày, tại cuộc hội kiến với nhà lãnh đạo Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển toàn diện của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm đưa quan hệ hợp tác phát triển sâu sắc và thực chất hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự ủng hộ tích cực và hiệu quả của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Nhật Bản tiếp tục ưu tiên dành ODA, mở rộng đầu tư, thúc đẩy thương mại với Việt Nam, tiếp tục ủng hộ Việt Nam tiếp cận nguồn vốn ưu đãi IDA của Ngân hàng thế giới sau năm 2017.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững |
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững; sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn ODA cho Việt Nam, trong đó sẽ cung cấp ODA cho 2 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là các doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, đầu tư tại Việt Nam.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, hai nhà Lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây tại khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác ở Biển Đông, đề cao thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982; nhất trí hai nước cần tăng cường hợp tác để phấn đấu cho các mục tiêu trên.
Theo Vũ Dũng/VOV