Chính trị - Xã hội
"Nên xem xét lại các hội có liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng"
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 31-10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, không chỉ VINASTAS (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) mà các hội liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng cần được xem xét lại bởi không loại trừ do kinh phí hạn hẹp, một số tổ chức bị chi phối về tài chính, dẫn tới phục vụ cho lợi ích nhóm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời bên lề nghị trường ngày 31/10. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Ông cũng cho rằng, hiện nay pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng đã có, nhưng hệ thống thực thi lại có vấn đề…
- Thưa đại biểu, thời gian gần đây những vụ việc liên quan tới người tiêu dùng rất được quan tâm. Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đủ mạnh. Quan điểm của ông như thế nào?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Pháp luật của nhiều nước về bảo vệ người tiêu dùng thường xét đối tượng này vào loại người yếu thế nên nguyên tắc là tạo điều kiện cho người yếu thế có điều kiện đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình trước các doanh nghiệp vốn có nhiều phương tiện, công cụ.
Ở các quốc gia luật pháp chưa nghiêm minh thì các doanh nghiệp thường có các loại quan hệ tạo vị thế, bảo vệ quyền lợi cho họ.
Tại Việt Nam, thứ nhất là luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng chưa hoàn thiện. Thứ hai, người tiêu dùng cũng chưa có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để sử dụng luật pháp đó bảo vệ mình. Thứ ba là các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng của chúng ta như Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chính trị xã hội như hội phụ nữ, thanh niên, thanh thiếu nhi, nông dân… có trách nhiệm bảo vệ thành viên, giới của mình với tư cách người tiêu dùng thì chưa mạnh mẽ. Và, cũng có những tổ chức bảo vệ người tiêu dùng bị chi phối bởi các loại lợi ích khác nhau.
Đây là hạn chế và là vấn nạn ở Việt Nam. Do đó, để thực sự có công bằng, Nhà nước pháp quyền trong lĩnh vực người tiêu dùng thì phải chấn chỉnh lại hệ thống pháp luật, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để họ thực sự hoạt động độc lập, khách quan, đúng tôn chỉ mục đích…
- Ngoài các tổ chức nói trên, hiện ở Việt Nam có cơ quan pháp luật nào bảo vệ người tiêu dùng?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Có một số cơ quan như công an, tòa án, viện kiểm sát… Khi người tiêu dùng bị xâm hại tới mức bị thiệt hại về dân sự thì có thể khởi kiện dân sự; bị thiệt hại ảnh hưởng tính mạng, tài sản thì có thể yêu cầu xử lý hình sự với người gây ra thiệt hại đó.
Ngoài việc người tiêu dùng tự bảo vệ mình thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong việc này.
- Vừa qua, vụ việc thông tin nước mắm nhiễm Asen của VINASTAS gây mất niềm tin của người tiêu dùng. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay sẽ cùng cơ quan chức năng xem xét khả năng tạm đình chỉ hoạt động của VINASTAS. Theo ông, nên chấn chỉnh lại việc này thế nào?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, không chỉ VINASTAS mà các hội có liên quan bảo vệ người tiêu dùng đều nên xem xét lại. Không loại trừ do kinh phí hạn hẹp, họ bị một số lệ thuộc hay chi phối về tài chính, từ đó nảy sinh sai phạm, phục vụ cho lợi ích nhóm, tập đoàn nào đó.
Ở chiều ngược lại, người dùng cần phân biệt thế này: Khi mua sản phẩm và sử dụng, phát hiện ra có chất độc hại thì phải tự bảo vệ mình một cách hợp pháp, không dùng những biện pháp bất hợp pháp như liên lạc với doanh nghiệp đòi họ phải trả bao nhiêu…
Khi nghĩ mình bị thiệt hại, người dùng có quyền đi bác sĩ, thuê luật sư tư vấn xác định xem thiệt hại là bao nhiêu và yêu cầu tổ chức gây thiệt hại phải đền bù trước khi sử dụng các công cụ như tòa án. Đó mới là hợp pháp.
- Theo ông, hiện hệ thống pháp luật bảo vệ người tiêu dùng của chúng ta đủ mạnh hay chưa?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa: Pháp luật hiện nay đã có nhưng tôi lo là hệ thống thực thi có vấn đề.
Lấy ví dụ tôi là người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không bảo đảm, bị ngộ độc phải đi bác sĩ chữa trị. Để khởi kiện vụ việc này thì hiện nay rất phức tạp trong khi ở nhiều quốc gia khác họ làm rất mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng.
Ví dụ như ở Hoa Kỳ chẳng hạn, khi xảy ra vụ việc, họ không chỉ truy cứu người sản xuất mà còn cả người kinh doanh. Hệ thống luật pháp, tòa án bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài bồi thường trực tiếp còn những khoản mang tính chất phạt. Có thể người tiêu dùng nằm viện chữa trị mất 1.000-2.000 USD nhưng doanh nghiệp bị phạt lên tới hàng trăm ngàn USD.
Sự bảo vệ này, tôi cho là đáng học tập và đây là điều ở Việt Nam chưa làm được.
Chúng ta có luật pháp, nhưng như tôi vừa nói là khi người tiêu dùng báo cho công an, viện kiểm sát thì rất nhiều trường hợp triển khai chậm trễ, coi như điều này không quan trọng. Bên cạnh đó, đưa ra tòa xét xử lâu và xử xong cũng chưa chắc đã thi hành án được trong khi đối tượng bị đơn có nhiều công cụ, phương tiện để tác động bằng nhiều cách để vụ việc được giải quyết theo chiều hướng có lợi./.
Theo Vietnam+