Chính trị - Xã hội
Nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,3-6,5%
Với hơn 20 nội dung cần thảo luận, giải quyết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đã khai mạc sáng 3-10, tại trụ sở Chính phủ nhằm hoàn thiện các văn kiện báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội trong phiên họp sắp tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016. Ảnh: TTXVN |
Chủ trì phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay từ 6,3 đến 6,5%.
Thủ tướng nêu rõ: Chủ đề của phiên họp này là phấn đấu thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3 - 6,5%. Nhiệm vụ này được xác định trên cơ sở rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng của tập thể Chính phủ. Dù chưa đạt mục tiêu 6,7% trong năm 2016 - một đầy cam go, trở ngại nhưng đây cũng là mức tăng trưởng cao.
Đánh giá tình hình tháng 9 và 9 tháng qua, Thủ tướng nhận định: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, nhất là quý 3 đạt 6,4%, cao nhất trong 3 quý.
Thủ tướng nhận định: Thông tin đáng mừng trong tháng 9 là nguồn vốn đầu tư gián tiếp tăng, trong đó có nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư như Vinacapital, Indochina. Chứng khoán tăng kỷ lục, cao nhất trong 9 năm qua. Môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả đáng mừng.
Ngày 3-10, Tạp chí tài chính Nikkei của Nhật công bố chỉ số ngành sản xuất Việt Nam tháng 9-2016 (PMI - chỉ số tổng hợp về hoạt động trong ngành sản xuất và đóng vai trò như một chỉ số hàng đầu cho toàn bộ nền kinh tế) đạt 52,9 điểm. Đây là mức cao nhất 16 tháng qua và cao hơn nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc và Nhật là 50,4; Indonesia 50,9; Thái Lan 48,8; khối ASEAN là 50,5. Điều này được thể hiện cụ thể qua mức tăng việc làm trong 5 năm rưỡi qua.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng khá cao; xuất siêu tăng; nguồn kiếu hối đổ về mạnh và đầu tư nhiều vào hoạt động sản xuất. Số lượng doanh nghiệp tăng khá với trên 91.000 doanh nghiệp mới được thành lập, số vốn và quy mô doanh nghiệp tăng. Đặc biệt, niềm tin thị trường, niềm tin của xã hội của người dân và doanh nghiệp không ngừng được cải thiện.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là xuất khẩu tôm, chăn nuôi. Nếu nửa đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18% thì đến hết quý 3 đã tăng trưởng 0,65%.
Về văn hóa xã hội đã cũng có nhiều tiến bộ, nổi bật là kỳ Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG 5), lần đầu tiên Việt Nam đứng nhất toàn đoàn với 139 huy chương các loại, trong đó có 52 huy chương vàng. Thủ tướng đánh giá đây là thắng lợi trong lĩnh vực văn hóa xã hội. Cùng với đó, giáo dục đào tạo, môi trường, quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại có nhiều điểm sáng.
Trong nhiệm vụ xây dựng thể chế, Chính phủ đã trình 4 đề án quan trọng đối với việc phát triển đất nước năm 2017 và các năm tiếp theo ra Ban chấp hành Trung ương; Chính phủ cũng đã trình các Luật đến Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, từ Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Riêng đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã ban hành tới 40 văn bản để chỉ đạo. Điều đó cho thấy Chính phủ rất tập trung trong công tác xây dựng thể chế.
Về thu chi ngân sách, Thủ tướng nhận xét nhiều địa phương đạt kết quả tốt; giải ngân vốn đầu tư có sự tiến bộ rõ nét. An ninh trật tự được giữ vững, dù tình hình phức tạp xảy ra khi một số người dân bị kích động trong vụ cá chết do ô nhiễm môi trường ở miền Trung. Đến nay, Chính phủ đã tạm ứng 3.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do cá chết ở miền Trung và đang chỉ đạo để các khoản hỗ trợ sớm đến người dân.
Những hạn chế của nền kinh tế 9 tháng qua, theo Thủ tướng, mức tăng trưởng kinh tế mới đạt 5,92%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, mong muốn của Chính phủ là phấn đấu GDP đạt 6,3 đến 6,5% trong năm nay. Để đạt mục tiêu này thì tăng trưởng kinh tế quý 4 phải đạt 7,1 đến 7,3%. Tuy đây là mục tiêu cao, nhưng vẫn có thể đạt được, bởi thông thường, quý cuối năm luôn có mức tăng trưởng cao hơn và quý 4 năm nay nền kinh tế có nhiều điều kiện tốt hỗ trợ tăng GDP.
Tổng hợp tình hình, Thủ tướng cho biết, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao, đến nay, 11 chỉ tiêu đã được hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Chỉ còn 2 chỉ tiêu gần hoàn thành, trong đó có tăng trưởng GDP.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,3 đến 6,5% cũng là thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ bởi theo đánh giá của một sổ chức quốc tế uy tín, như ADB, thì Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay.
Để thực hiện được nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
"Tôi xin nhấn mạnh, không phải chỉ có quyết tâm mà phải có giải pháp cụ thể đạt mục tiêu 6,3 đến 6,5%. ADB nói Việt Nam đạt tăng trưởng 6% trong năm nay do khách quan như tình trạng cá chết ở miền Trung, hạn hán, bão lũ, khai khoáng giảm. Ta phải quyết liệt vượt quá mức tăng trưởng mà ADB nhận định", Thủ tướng nêu rõ.
Tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải kiểm điểm các bất cập tồn tại, nhất là phản ứng chính sách cần thiết trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam; rà soát lại những tác động của chính sách đã ban hành, để tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, đạt mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra còn phải chú ý cả các chỉ tiêu xã hội, môi trường; không chỉ quan tâm chỉ tiêu 2016 mà cả chỉ tiêu 2017 và kế hoạch trung hạn 2016-2021.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải chú ý đến các cân đối lớn của nền kinh tế cả trước mắt và dài hạn, gắn với các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý nguồn cung điện năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt có nguy cơ bị hẫng hụt. Thủ tướng yêu cầu tập thể Chính phủ phải có biện pháp giải quyết tình trạng này, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trước mắt và lâu dài.
Trong phiên làm việc về xây dựng thể chế sáng nay, Chính phủ cho ý kiến về một số dự thảo văn kiện gồm dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 27/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; dự thảo đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam...
Chiều nay, Chính phủ tiếp tục làm việc về nội dung xây dựng thể chế. Phần thảo luận tình hình kinh tế xã hội sẽ được tiến hành vào buổi làm việc ngày mai 4-10.
Theo Vietnam+