Chính trị - Xã hội
Quảng Nam công khai thông tin Dự án Nhà máy thép Việt Pháp
Chiều 13-10, tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông tin về việc đầu tư Dự án Nhà máy thép Việt Pháp gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm, đã được UBND tỉnh thống nhất cho phép khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, quy mô hơn 17ha. Ngày 28-9 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, mời một số chuyên gia có kinh nghiệm về môi trường tham gia thẩm định. Quy trình công nghệ của dự án là từ sắt thép phế liệu, sau đó xử lý phế liệu, nấu luyện tại lò trung tần, lò trung gian, máy đúc liên tục, phôi thép... để cho ra thép thành phẩm.
Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, nước thải sản xuất của nhà máy này chủ yếu là nước làm mát thiết bị không thải ra môi trường. “Nước thải có 2 nguồn là nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất. Nước thải sinh hoạt chủ yếu là nước thải vệ sinh và nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày đêm. Nước thải này được xử lý sơ bộ sau đó qua bể kỵ khí có vách ngăn, sau đó qua bể hiếm khí, bể khử trùng và bể sinh học. Nước thải sản xuất chủ yếu là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc và được giảm nhiệt bằng các tháp giảm nhiệt, không thải ra môi trường”, bà Tuyết Hạnh cho biết cụ thể.
TS Huỳnh Ngọc Thạch, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đà Nẵng, thành viên Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam lập cũng đã phân tích nhiều khía cạnh về kỹ thuật và đưa ra nhận định khả quan về dự án này. Ông Huỳnh Ngọc Thạnh tiết lộ, dây chuyền công nghệ của nhà máy nhập từ Trung Quốc. Khí thải của nhà máy chủ yếu phát sinh ô nhiễm về bụi và khí thải nếu chọn địa điểm mới, và có thể loại bỏ được nguy cơ tiếng ồn.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi đã có những giải pháp cụ thể. Trước hết là tăng cường giám sát của cộng đồng dân cư, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng. Hơn ai hết người dân địa phương khu vực lân cận phản ánh kịp thời cùng với các cơ quan chức năng, phòng Tài nguyên và Môi trường và cán bộ phụ trách môi trường kịp thời theo dõi”.
Trước đó, các cơ quan báo chí đã phản ánh về việc UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương di dời Nhà máy thép Việt Pháp từ thị xã Điện Bàn lên đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang đã gặp phải sự phản đối của người dân địa phương. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng - địa phương sử dụng nguồn nước sông Vu Gia, Thu Bồn cũng đã lên tiếng đề nghị tỉnh Quảng Nam thông tin chi tiết về dự án đặt ở đầu nguồn con sông này.
Theo VOV.VN