Chính trị - Xã hội
Rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều
Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng thực hiện rà soát hộ nghèo theo phương pháp mới về giảm nghèo đa chiều. Bên cạnh những mặt tích cực như giúp đánh giá hộ nghèo chính xác và toàn diện hơn thì việc thực hiện phương pháp đánh giá mới này vẫn còn những khó khăn.
Trao phương tiện sinh kế cho hộ nghèo ở quận Hải Châu. |
Số hộ nghèo sẽ giảm?
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2020, Đà Nẵng có hơn 20.000 hộ nghèo và cận nghèo cần được rà soát.
Việc đo lường nghèo đa chiều ngoài chỉ tiêu ước tính thu nhập của hộ gia đình thì chỉ tiêu về các nhu cầu xã hội cơ bản dựa trên 5 chiều gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Tương ứng với các chiều đó cũng có các chỉ số cụ thể để tính điểm như: trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, tiếp cận dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt, hố xí; sử dụng dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin... Trong đó, các chiều thể hiện quyền được đáp ứng các nhóm nhu cầu cơ bản, sẽ được cho điểm bằng nhau. Ngoài ra, trong mỗi chiều, các chỉ số cũng được cho điểm. Tổng điểm của tất cả các chỉ số thiếu hụt sẽ cộng thành điểm thiếu hụt chung của cả hộ. Nếu điểm thiếu hụt chung này nhiều hơn chuẩn nghèo thì hộ đó sẽ bị coi là nghèo đa chiều.
Chị Phan Bá Mỹ Ngọc, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo ở phường Nam Dương cho biết, trong tháng 10, phường sẽ triển khai rà soát hộ nghèo theo phương pháp đa chiều. Chị Ngọc cho rằng, phương pháp tính đa chiều dễ làm hơn so với tính bình quân thu nhập vì trên cơ sở phiếu khảo sát cùng các tiêu chí cụ thể, điều tra viên chỉ phải đến từng hộ thu thập thông tin, đánh dấu tính điểm cho ra kết quả là hộ nghèo hay không. Tuy nhiên, nếu dựa vào cách tính: Một hộ đáp ứng được từ 3 tiêu chí trở lên thì không được xét đưa vào diện hộ nghèo theo quy định, là chưa phù hợp. “Chẳng hạn, một hộ có đủ các phương tiện nghe nhìn, có con đang đi học, có bảo hiểm y tế… nhưng chẳng may lao động chính trong gia đình vừa qua đời và cuộc sống hết sức khó khăn thì họ vẫn không được xét đưa vào diện hộ nghèo, như vậy chưa phản ánh đúng thực tế”, chị Ngọc nói. Theo chị Ngọc, xét theo chuẩn đa chiều thì số hộ nghèo trên địa bàn sẽ giảm đáng kể chứ không tăng.
Thêm một số đề xuất xác định hộ nghèo
Sau hai năm thực hiện Đề án giảm nghèo, Đà Nẵng đã vận động được hơn 1.400 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 23.000 hộ thoát nghèo, về đích trước hai năm so với mục tiêu đặt ra. Năm 2016, Đà Nẵng áp dụng chuẩn nghèo mới với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Hộ cận nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên 1,1 triệu đồng/người/tháng đến 1,43 triệu đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị có mức thu nhập trên 1,3 triệu đồng/người/tháng đến 1,69 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, thực tế việc rà soát hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là cần thiết để kịp thời hỗ trợ người nghèo ở những mặt còn thiếu hụt và đánh giá thiếu hụt ở mức nào. Đánh giá hộ nghèo căn cứ vào tài sản sẽ chính xác hơn là chỉ dựa vào thu nhập, chi tiêu; đồng thời, khi có những tiêu chí cụ thể sẽ dễ hơn cho các địa phương trong thống kê, tính điểm để đưa vào diện hộ nghèo. Xác định hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mang tính thực chất hơn, như hộ nào có tài sản gì, diện tích đất bao nhiêu, việc học tập, giáo dục của các thành viên trong gia đình như thế nào. Trong khi trước đây, nếu tính theo tiêu chí thu nhập thì thường không khai thác được hết. Đó là chưa kể nhiều trường hợp còn giấu thu nhập để được xét duyệt hộ nghèo và hưởng chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, theo bà Hương, sau khi đánh giá theo phương pháp đa chiều thì số hộ nghèo có thể giảm đáng kể. Đó là bởi bộ công cụ của Trung ương triển khai cho 63 tỉnh, thành đưa ra mức tính điểm chung. Đối với một số địa phương có mức sống bình quân của người dân cao như: Hà Nội, Đà Nẵng… và việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản dễ dàng hơn thì người nghèo sẽ đáp ứng được nhiều tiêu chí và sẽ… hết nghèo, trong khi thực tế họ vẫn còn khó khăn. “Chúng tôi đang đề xuất mở chiều như thêm sự đánh giá về việc làm, đào tạo nghề để giải quyết linh động cho một số hộ; đồng thời rà soát hết những hộ nghèo trên toàn thành phố, hộ nào thiếu hụt mặt nào thì hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn vận động hỗ trợ”, bà Hương nói.
Bài và ảnh: KIM NGÂN