Chính trị - Xã hội
Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương, có tính thống nhất trong mối quan hệ tương tác, tránh xung đột và phải bảo đảm nguồn lực thực hiện. Đây là ý kiến chung của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn tại buổi góp ý về dự thảo Luật Quy hoạch, do Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 14-10.
Hầu hết các ý kiến đều thống nhất sự cần thiết phải có Luật Quy hoạch để tạo hành lang pháp lý và nâng cao chất lượng quy hoạch, đồng thời hạn chế thực trạng yếu kém của công tác quy hoạch hiện nay, như: Quy hoạch lập quá nhiều nhưng chất lượng thấp; quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của đất nước; quy hoạch chồng chéo, thiếu tính thống nhất, thiếu gắn kết, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả quy hoạch. Bên cạnh đó, việc quy hoạch chưa thể hiện vị trí, vai trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế-xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch, dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện; phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành.
Các ý kiến đề nghị phải hoàn thiện nội dung quy hoạch đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, có tính liên kết vùng, liên kết ngành và phải tính tới nguồn lực thực hiện. Quy hoạch phải mở, động và có tính chiến lược, tránh manh mún, tầng bậc. Trong quy định về nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung yếu tố quy hoạch phải bảo đảm cả quốc phòng-an ninh. Nội dung quy định về quy hoạch ngành quốc gia trong dự thảo còn mờ nhạt. Ngoài ra, cần bổ sung thêm quy hoạch nông thôn gắn với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; quy hoạch phải bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm đánh giá thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng là khó khả thi, cần có một Hội đồng quy hoạch với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức. Dự thảo cũng cần bổ sung thêm trong quy định về quản lý quy hoạch không chỉ có bản đồ, sơ đồ mà còn phải có điều lệ quản lý quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến của cả chuyên gia, đại biểu cơ quan dân cử và nhân dân.
S.TRUNG