Chính trị - Xã hội
Truyền thông phòng chống HIV/AIDS
Nhiều hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS được tổ chức tại các trường đại học (ĐH) trên địa bàn Đà Nẵng đã thu hút sinh viên (SV) tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.
Một hoạt cảnh tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS do sinh viên Trường Đại học Kinh tế biểu diễn. |
Đêm văn nghệ truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào đầu tháng 10 vừa qua do Hội SV Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) phối hợp cùng Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố tổ chức đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Những câu chuyện, những lời chia sẻ tại chương trình từ chính người bị nhiễm HIV thực sự là bài học, kinh nghiệm đối với các bạn trẻ.
Chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối, Nguyễn Văn Thông, SV năm 3 thổ lộ: “Thật sự đến đây, được chứng kiến và nghe những câu chuyện có thật của những người bị nhiễm HIV, em mới thấy được sự nguy hiểm của căn bệnh này đến mức nào. Em sẽ về kể lại cho các bạn cùng biết và phải phòng tránh HIV bằng lối sống lành mạnh”. Còn Lê Thu Hằng, SV năm 2 thì cho biết trước đây em rất sợ và xa lánh những người bị nhiễm HIV, nhưng bây giờ em thấy thương và cảm thông đối với họ. “Em mong muốn mình có thể góp phần nào đó giúp đỡ những người bị nhiễm HIV hòa nhập với cộng đồng”, Hằng chia sẻ. Bên cạnh chương trình giao lưu, trò chuyện với người nhiễm, các bạn trẻ còn thưởng thức các tiết mục văn nghệ, hài kịch, diễn thời trang với chất liệu từ bao cao su...
Anh Lê Đình Quang Phúc, Chủ tịch Hội SV Trường ĐH Kinh tế cho biết, đây là dịp để các bạn SV bổ sung kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời tự xây dựng lối sống lành mạnh và các kỹ năng bảo vệ bản thân. Chương trình cũng đã truyền đến với các bạn trẻ thông điệp sẻ chia đối với những người bị nhiễm HIV để càng ngày càng giảm đi sự kỳ thị đối với họ.
Trước đó, Trung tâm cũng phối hợp với Trường ĐH Thể dục-Thể thao Đà Nẵng tổ chức hội thi phòng, chống ma túy, HIV/AIDS cho SV. Tại đây, các đội dự thi trải qua 4 phần: chào hỏi, trắc nghiệm, tiểu phẩm tuyên truyền và giải đáp ô chữ xoay quanh các chủ đề phòng, chống ma túy, HIV/AIDS. Đặc biệt, ở phần thi tiểu phẩm, bằng các tiết mục tuyên truyền sinh động, các đội đã cụ thể hóa cho người xem những tác hại của ma túy, mại dâm và bệnh HIV/AIDS đối với đời sống xã hội và sức khỏe con người; qua đó vận động mọi người chung tay đẩy lùi HIV/AIDS.
Hoạt động truyền thông phòng chống HIV tại các trường ĐH chỉ là một trong nhiều hoạt động do Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thành phố tổ chức. Bác sĩ CKII Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức để người bệnh, gia đình, cộng đồng hiểu và biết rõ hơn về căn bệnh này cũng như cách lây truyền để từ đó thay đổi thái độ, hành vi trong ứng xử với người nhiễm và dự phòng lây nhiễm HIV.
Trong 3 năm qua, đã có hàng trăm ngàn lượt người được Trung tâm truyền thông trực tiếp; trong đó có trên 12.000 lượt người nghiện ma túy, trên 94.000 lượt phụ nữ bán dâm và tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi, giải trí... Toàn thành phố cũng đã có hàng ngàn khu dân cư triển khai phong trào toàn dân tham gia phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng; hàng chục doanh nghiệp triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và hàng ngàn công nhân được tuyên truyền dự phòng lây nhiễm HIV...
Theo bà Phạm Thị Đào, các hoạt động truyền thông rất quan trọng khi góp phần làm thay đổi rõ rệt nhận thức của người dân về HIV/AIDS và giảm cái nhìn kỳ thị đối với người nhiễm.
Bài và ảnh: KIM NGÂN - THU TÂN