Chính trị - Xã hội
Chú trọng hiệu quả khai thác không gian cảnh quan đô thị
Sự phát triển mạnh mẽ của đô thị khiến Đà Nẵng đứng trước nhiều thách thức và yêu cầu mới do thực tiễn đặt ra. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc trong thời gian qua được thực hiện khá tốt, tuy nhiên chất lượng đô thị Đà Nẵng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng sẵn có và hiệu quả khai thác không gian cảnh quan vẫn chưa cao.
Quy hoạch và thiết kế kiến trúc gắn liền với phát triển chất lượng đô thị Đà Nẵng.Ảnh: MINH QUÂN |
Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tổ chức không gian đô thị chưa chú trọng đến chất lượng cảm nhận cảnh quan, bao gồm cảm thụ về mặt thị giác và các giác quan khác. Ngoài ra không gian cảnh quan cũng cần phải bảo đảm duy trì hoạt động giao tiếp và cảnh quan hoạt động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, văn hóa và lối sống của người dân Đà Nẵng. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của tổ chức kiến trúc cảnh quan (KTCQ) đô thị, đòi hỏi cần có những giải pháp khoa học, cụ thể và chất lượng.
Tạo sức hút cho không gian
Thực tế cho thấy xu hướng tổ chức không gian cảnh quan đô thị ngày càng nhiều nhà cao tầng, nhiều con đường 4-6 làn xe và nhiều quảng trường có sức chứa hàng vạn người với mong muốn tạo ra sự hoành tráng cho đô thị. Tuy nhiên, với kiểu không gian rộng như thế lại thiếu vắng hoạt động giao tiếp xã hội. Đường dành cho giao thông không thiếu nhưng không gian dành cho người đi bộ thì hạn chế, sự kết nối không gian bị ngăn cản do sự mất an toàn khi băng qua con đường quá rộng và xe lưu thông tốc độ quá nhanh, người dân không thể thiết lập những hoạt động thân tình và sử dụng kém hiệu quả các dịch vụ đô thị.
Trong lịch sử phát triển đô thị, các đường phố và quảng trường có kích thước phù hợp với nhân trắc học từng là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống cho đô thị (đô thị châu Âu thời trung cổ, Hội An, Huế hay 36 phố phường của Hà Nội). Đường phố dựa trên mô hình tuyến tính theo sự vận động của con người và quảng trường dựa trên cơ sở khả năng của mắt có thể quan sát một khu vực, tai có thể nghe các âm thanh và mũi có thể phân biệt được các cửa hàng dọc phố.
Giải pháp tổ chức KTCQ có thể tạo sức hút và tăng cường giao tiếp xã hội nhờ chú trọng việc lựa chọn địa điểm xây dựng, tiết kiệm diện tích xây dựng do tăng mật độ và chọn cấu trúc xây dựng, tạo nhiều khoảng xanh và can thiệp ít nhất vào thiên nhiên, là việc gìn giữ mặt nước và tổ chức không gian trống hai bên, gìn giữ và bảo vệ nguồn nước ngầm... Là thành phố môi trường, việc tiết kiệm đất tạo mảng xanh cần phải đề ra và đặc biệt trong điều kiện đất đai quý hiếm của Đà Nẵng, nên mật độ xây dựng tối đa là 50 - 60% và tỷ lệ giữa chiều cao ngôi nhà và khoảng cách giữa các nhà là nhỏ hơn hoặc bằng 1:1; kiểu bố cục tập trung xung quanh một quảng trường hay sân tập trung truyền thống nên được chú trọng.
Cường độ của sự trải nghiệm sẽ tăng lên khi kích thước giảm. Ở không gian nhỏ bao giờ cũng thú vị hơn vì có thể nhìn thấy cả tổng thể và cả chi tiết, tìm ra một quán cà-phê nhờ nghe rõ âm thanh phát ra hay nhận biết một cửa hàng ăn uống khi ngửi được mùi vị món ăn đặc trưng lan tỏa luôn mang lại cho ta sự thú vị.
Bán kính hoạt động thông thường cho đa số người đi bộ nằm trong giới hạn 400 - 500m cho một chuyến đi, khả năng gặp những người khác và tiến trình của sự kiện giới hạn cự li trong khoảng 20 đến 100m tùy thuộc vào những gì sẽ được trông thấy. Khoảng cách thông thường giữa các quầy hàng ở chợ và trong cửa hàng bách hóa là từ 2 đến 3m.
Bên cạnh đó, về kiến trúc, việc bố trí hướng các công trình phải được xác định do điều kiện khí hậu. Ở Đà Nẵng, hướng của nhà xuất phát từ điều kiện che nắng và thông gió để đón gió mát về mùa hè và che gió bão lạnh về mùa đông. Hướng nhà phù hợp nhất nằm trong giới hạn 45o từ hướng nam đến đông nam.
Trong cả quần thể có thể dùng những công trình cao tầng để che gió lạnh về mùa đông cho toàn khu. Những giải pháp được đề xuất là chọn cấu trúc xây dựng hợp lý, tạo sự liên kết về sinh học giữa không gian xã hội và sinh học cũng như chọn giải pháp cụ thể trong thiết kế nhà bằng những vật liệu sinh thái và quan trọng nhất là tăng cường mảng xanh. Ngoài ra, đường phố khu trung tâm nên từ 10,5 - 15m với hình thức giao thông hỗn hợp; bề rộng đường phố khu đi bộ nên từ 5-7m.
Tạo sự hòa nhập giữa các nhân tố tạo cảnh quan
Không gian cảnh quan tạo sự hòa nhập thu hút nhiều người sử dụng, hoạt động cùng nhau và truyền cảm hứng cho nhau.
Cần tổ chức KTCQ tạo sự hòa nhập, có thể pha trộn tất cả các chức năng không gây mâu thuẫn với nhau hoặc không gây phiền cho nhau. Sự hòa nhập còn tạo ra sự kết nối giữa các nhân tố tự nhiên và nhân tạo, giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, giữa yếu tố lịch sử với yếu tố đương đại... Sự hòa nhập sẽ cho con người cảm nhận được không gian cảnh quan một cách trọn vẹn.
Bằng việc khai thông những không gian ngăn cách bờ biển hiện nay sẽ giúp cho du khách khi di chuyển trên tuyến cảnh quan ven biển, không chỉ nhìn thấy màu xanh của biển mà còn được nghe tiếng sóng biển, ngửi thấy vị mặn của biển hay cảm nhận độ nóng rát của nắng... Tất cả mang lại sự thú vị, hấp dẫn và khó quên.
Sự hòa nhập còn mang lại cảm giác an toàn khi khai thác không gian cảnh quan với những con đường bảo đảm mức độ an toàn cao nhất, tạo ra sự an tâm khi tham gia giao thông hay an toàn cho bộ hành băng qua đường. Không gian cộng đồng có sự hòa nhập về thành phần, đối tượng và văn hóa bằng cách khai thác các vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ thiên nhiên (đá tự nhiên, gỗ, gạch không nung...) xen lẫn nhiều mảng xanh (cây xanh, mặt nước), mang lại cho con người không gian sống gần gũi với thiên nhiên.
Tăng cường cảm nhận không gian cảnh quan đa chiều
Con người cảm nhận không gian cảnh quan đa chiều được hiểu là sự cảm nhận thông qua nhiều giác quan như: xúc giác, thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Dù cảm nhận bằng thị giác là rất quan trọng trong nhận thức về không gian, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ và kết hợp của các giác quan khác nữa.
Quy luật thị giác được hình thành một cách bản năng và hỗ trợ việc xây dựng mô hình không gian của những đối tượng được quan sát trong ý thức. Bằng thính giác, khi di chuyển trong không gian, con người nghe thấy các âm thanh được phản xạ hoặc hấp thụ bởi các bức tường xung quanh, cho phép nhận thức về không gian cho dù không nhìn thấy những bức tường đó.
Âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận không gian. Bằng khứu giác, con người cũng liên hệ những mùi vị nhất định với những địa điểm nhất định. Thật thú vị khi du khách tham quan được cảm nhận và trải nghiệm không gian cảnh quan đô thị với nhiều cung bậc của cảm xúc: từ mùi vị của biển (làng chài Nại Hiên Đông), âm thanh khàn khàn của tiếng chạm khắc đá (làng đá Ngũ Hành Sơn), hương thơm phảng phất của những luống hoa (làng hoa Phước Mỹ) hay tiếng chuông chùa ngân lên trong không gian tâm linh tĩnh mịch (chùa Non Nước). Nhận biết về không gian của mỗi người sẽ được giảm bớt nếu tín hiệu thị giác bị hỗn loạn hay âm thanh bị hòa lẫn.
Tổ chức KTCQ với yếu tố sinh thái môi trường không chỉ đơn thuần dựa trên nguyên tắc của thẩm mỹ không gian mà còn phải dựa trên khả năng cảm thụ của con người, trong đó phải biết khai thác khả năng cảm nhận thông qua hệ thống giác quan: mắt nhìn thấy sự vật, tai nghe âm thanh, mũi ngửi thấy mùi vị, da cảm nhận được thay đổi thời tiết...Tất cả các cảm nhận này đều mang lại sự thích thú khi trải nghiệm trong không gian cảnh quan, tạo ra sự phong phú tổ chức hoạt động cho đô thị. Nếu biết vận dụng trong các thiết kế sẽ góp phần quan trọng tạo lập bản sắc đậm nét cho đô thị Đà Nẵng trong tương lai.
KTS Tô Hùng