Chính trị - Xã hội

Giảm ô nhiễm tại Âu thuyền Thọ Quang

Chủ mua hải sản cần vào cuộc

08:22, 12/11/2016 (GMT+7)

“Các tổ chức, cá nhân hoạt động thu mua hải sản phải tuân thủ nghiêm quy định của cơ quan chức năng, có trách nhiệm bảo vệ môi trường, vi phạm 3 lần sẽ đề nghị thành phố không cho hoạt động thu mua tại cảng cá”, Đại tá Trần Thanh Nhơn, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo nhằm bảo vệ môi trường tại Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang.

Các tổ chức, cá nhân mua bán hải sản cam kết bảo vệ môi trường.
Các tổ chức, cá nhân mua bán hải sản cam kết bảo vệ môi trường.

Tư thương cam kết bảo vệ môi trường

Theo thống kê của Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, hiện có 56 tổ chức, cá nhân thu mua hải sản hoạt động tại cảng cá Thọ Quang. Tuy nhiên, những năm qua, việc mua bán, vận chuyển chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến rơi vãi nước, cá gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Âu thuyền Thọ Quang, đặc biệt là đối với các tư thương thu mua hải sản của các tàu giã cào. Do đó, bản thân họ phải nỗ lực vào cuộc để cùng làm giảm ô nhiễm tại âu thuyền. Theo ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Cảnh sát Môi trường cùng đơn vị này đã cho các tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển hải sản ở cảng cá ký cam kết bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các tiểu thương khá lo ngại vì không thể giảm được 100% như yêu cầu của lực lượng chức năng. Ông Đ.V.H, chuyên thu mua hải sản từ các tàu giã cào cho biết, việc thu mua, vận chuyển hải sản từ các tàu giã mà không để nước thải rò rỉ là điều rất khó. Tuy nhiên, những người thu mua sẽ nỗ lực giảm 60-70% nước thải rò rỉ ra môi trường.

Đồng quan điểm với ông H., bà N.T.P (thu mua hải sản tàu giã cào) cho rằng: “Hải sản ở tàu giã cào có rất nhiều loại, trong đó có cá làm thức ăn cho heo, nên dễ gây ô nhiễm. Chúng tôi sẽ nỗ lực để cùng cơ quan chức năng giảm ô nhiễm môi trường, góp phần tạo dựng cảng cá văn hóa, văn minh”.

Trong khi đó, bà P.T.C (chuyên thu mua hải sản) phản ánh, khi trời bão, số lượng tàu vào nhiều, nhưng chỉ cho mua bán ở một cầu cảng nên lưu lượng nước thải, ô nhiễm nhiều hơn. Bà C. đề nghị khi tàu vào nhiều, cần phải cho cân ở ba cầu nhằm giải quyết nhanh và hạn chế thấp nhất nước thải từ tàu chảy xuống âu thuyền.

Xử lý kiên quyết

Thượng tá Phan Xong, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường- Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, để giảm ô nhiễm môi trường tại âu thuyền, đề nghị các tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển hải sản tại các cầu cảng nghiêm túc thực hiện quy định của Ban quản lý. Cụ thể, khi chuyển hải sản từ tàu cá lên cầu cảng phải có dụng cụ chuyên dụng, không để nước thải hải sản rơi vãi xuống âu thuyền. Khi đưa hải sản lên cầu cảng phải chứa trong các thùng, khay, bì, không để nước hải sản rơi vãi, rò rỉ trên cầu cảng. Bên cạnh đó, không được mổ xẻ các loại hải sản trên các cầu cảng... Các hộ kinh doanh, mua bán cá vụn phải thực hiện bảo đảm đúng quy định từ việc thu mua, bảo quản đến vận chuyển ra ngoài để không rò rỉ, rơi vãi nước thải, phát tán mùi ra môi trường.

Ông Huỳnh Văn Phương cũng khuyên các tổ chức, cá nhân hoạt động tại cảng phải chung tay với chính quyền để xóa điểm nóng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền. “Thành phố đang phát triển về du lịch, không thể hình thành điểm nóng về môi trường. Vì vậy, ngư dân nói chung, những tổ chức kinh doanh, mua bán hải sản nói riêng phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Nếu không thực hiện nghiêm túc, cơ quan Công an sẽ xử phạt nghiêm, không cho hoạt động”, ông Phương khuyến cáo.

Đại tá Trần Thanh Nhơn cho biết, sẽ xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm. Nếu tổ chức, cá nhân nào 3 lần bị xử phạt mà vẫn để xảy ra ô nhiễm sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố không cho hoạt động. “Đến năm 2017, chúng ta phải làm sao có một cảng cá sạch, an toàn, an minh, văn hóa. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, các tổ chức, cá nhân buôn bán hải sản ở cảng cá phải chung tay, góp sức với cơ quan chức năng để thực hiện”, Đại tá Nhơn nói.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

.