Chính trị - Xã hội

HỘI NGƯỜI CAO TUỔI THÀNH PHỐ

Ủng hộ chủ trương hỏa táng

08:18, 08/11/2016 (GMT+7)

Để đạt mục tiêu 50% người chết được hỏa táng theo Đề án xây dựng Thành phố môi trường, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỏa táng. Trong đó, lớp người “cây cao bóng cả” đồng tình chủ trương này.

Hành lễ tại Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên. (Ảnh do Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên cung cấp)
Hành lễ tại Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên. (Ảnh do Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên cung cấp)

Ông Vũ Hồng Lịch, 74 tuổi (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) cho biết: Hỏa táng là một hình thức văn minh, không lây lan dịch bệnh hay ảnh hưởng đến môi trường như địa táng. Đặc biệt, sau khi hỏa táng, tro cốt đựng trong bình, rất gần gũi với người thân, phù hợp với đời sống tâm linh của người Việt. “Tôi đã bàn với vợ con là sau khi tôi qua đời, gia đình nên thực hiện hỏa táng và vợ con tôi hoàn toàn tán thành”, ông Lịch nói. Còn ông Nguyễn Thanh Hiền, 75 tuổi (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) chia sẻ: Hỏa táng đem lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội, thiết thực nhất là tiết kiệm được chi phí xây dựng mộ, không gây ảnh hưởng môi trường sống như địa táng.

Thực tiễn cuộc sống và kết quả các công trình nghiên cứu khoa học đều cho thấy, nhiều vấn đề báo động do việc địa táng gây ra như: ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, không đủ quỹ đất để địa táng, chi phí địa táng cao... Tại Đà Nẵng, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, dân số ngày càng đông, đất đai dành cho địa táng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng. Do vậy, hỏa táng là giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề trên và góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Thành phố môi trường.

Theo ông Lê Văn Kiện, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố,  người cao tuổi Đà Nẵng ủng hộ chủ trương hỏa táng vì đây là hình thức táng văn minh, hiện đại, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và lâu dài. Mặt khác, ông Kiện nhấn mạnh, để thay đổi tập quán địa táng cần tuyên truyền thường xuyên, liên tục, tạo sự tác động nhiều chiều đối với người dân.

So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng triển khai chủ trương địa táng muộn hơn, trong khi đó người dân còn có điều kiện lựa chọn giữa địa táng với hỏa táng. Vì vậy, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để làm tăng nhu cầu hỏa táng và giảm nhu cầu địa táng. Theo ông Kiều Văn Lưu, 65 tuổi (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), để chủ trương hỏa táng nhanh đi vào cuộc sống, không nên mở rộng đất nghĩa trang và cần có những chế tài đối với việc mua bán đất nghĩa trang nhằm giảm thiểu khả năng lựa chọn địa táng.

Từ năm 2010, Đà Nẵng đã có Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang). Trung tâm này miễn 100% chi phí hỏa táng đối với công dân có hộ khẩu tại thành phố đến hết năm 2017; miễn 100% chi phí đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương-bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng, đảng viên 40 năm tuổi Đảng trở lên, cán bộ hưu trí tham gia chống Pháp và chống Mỹ, thành viên hộ nghèo theo chuẩn của thành phố... Mặc dù vậy, những năm qua, số ca hỏa táng tại đây còn quá thấp so với tổng số người chết trên địa bàn thành phố. Cụ thể như năm 2015, số ca hỏa táng là 194 trên tổng số 4.234 người chết.

LÊ VĂN THƠM

.