Chính trị - Xã hội
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm
Theo chương trình, ngày 9-11, Quốc hội sẽ nghe, thảo luận về một số dự án luật; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.
Cụ thể, sáng 9-11, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quy hoạch.
Đồng thời, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm (trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020).
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dự án Luật Quy hoạch.
Buổi chiều 9/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết này.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Cũng trong chiều 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh vệ; dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.
Về dự án Luật Quy hoạch: Trong thời gian qua, công tác quy hoạch đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Tuy nhiên, sau 30 năm đổi mới, nền kinh tế của đất nước đã có nhiều thay đổi, quy mô nền kinh tế lớn gấp nhiều lần trước đây, trong khi công tác quy hoạch chưa theo kịp sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.
Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách nhằm cải cách toàn diện công tác quy hoạch, giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội cho ý kiến lần này được xây dựng gồm 6 chương, 67 điều, quy định về: Hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch; nội dung quy hoạch; nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch và chuyển tiếp quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; quản lý Nhà nước về quy hoạch.
Tờ trình dự án Luật Hỗ trợ DNNVV của Chính phủ cho biết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật là: Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DNNVV. Thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình nhằm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, quốc gia và nguồn lực có thể bố trí trong từng thời kỳ.
Đồng thời, hỗ trợ DNNVV không vi phạm nguyên tắc thị trường, không phân biệt đối xử, bảo đảm không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tăng cường năng lực và hiệu quả cho hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Tạo khung pháp lý để huy động kinh tế tư nhân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cùng Chính phủ thực hiện hỗ trợ DNNVV.
Bố cục của dự án Luật gồm 6 chương với 45 điều, quy định cụ thể về: Các nội dung hỗ trợ cơ bản DNNVV; chương trình hỗ trợ trọng tâm DNNVV; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV của cơ quan, tổ chức, cá nhân; ngân sách, cơ chế phối hợp, giám sát và đánh giá hỗ trợ DNNVV...
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh, góp phần phát triển du lịch, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Nội dung dự thảo Nghị quyết quy định về thị thực điện tử là một loại thị thực rời; người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp trước phí cấp thị thực và phí này không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp thị thực.
Cũng theo nội dung dự thảo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với thời hạn thực hiện thí điểm là 2 năm, kể từ ngày 1/1/2017.
Về dự án Luật Cảnh vệ: Việc ban hành Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước, cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Qua hơn 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh Cảnh vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải được khắc phục nhằm phù hợp yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết.
Dự thảo Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 36 điều, quy định về các nội dung như: Đối tượng cảnh vệ, biện pháp và chế độ cảnh vệ; lực lượng cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ. So với Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005, dự thảo Luật đã bổ sung 2 chương, 15 điều.
Chinhphu.vn