Chính trị - Xã hội
Thực hiện văn hóa trong ma chay
Thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, thời gian qua, quận Liên Chiểu đã có nhiều cách làm hay trong việc tuyên truyền người dân tổ chức ma chay, tang lễ theo hướng văn minh, hiện đại. Ở các địa phương, xuất hiện một số mô hình hay; việc tuyên truyền, vận động dần đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ rệt.
Việc người dân không rải vàng mã khi đưa tang trên đường góp phần làm đường phố sạch đẹp. |
Chỉ đốt vàng mã tại nhà
Phường Hòa Minh là một trong những địa phương tiêu biểu thực hiện hiệu quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hơn 10 năm trước, UBND phường đã thành lập mô hình “Tổ dân phố như một tộc họ” trong khu dân cư để tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong nhân dân. Với mô hình này, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) cũng là tộc trưởng của một họ nên việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước rất dễ “thấm” vào bà con.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, lâu nay, phong tục, suy nghĩ của người dân là khi đưa tang phải rải giấy tiền, vàng mã cho người quá cố, xem đó là “lộ phí” đi đường. Bởi vậy, mạnh ai nấy rải, tạo hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Để thay đổi suy nghĩ, thói quen này, UBND phường Hòa Minh yêu cầu tổ trưởng các tổ dân phố tuyên truyền, vận động người dân không nên rải vàng mã; hoặc bỏ trong thùng thiếc đốt tại nhà, hoặc mang lên nghĩa trang đốt, vừa thể hiện tấm lòng với người đã khuất, vừa góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường. Theo đó, tổ trưởng các tổ dân phố đã bắt tay vào vận động, tuyên truyền người dân thay đổi hành vi.
Trước tình trạng người dân để thi hài người quá cố quá thời gian quy định trong nhà, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết, khi gia đình nào có người qua đời, UBND phường cử cán bộ đến thăm hỏi, chia buồn; qua đó nắm kế hoạch, thời gian, địa điểm an táng. Nếu thấy thời gian để thi hài quá lâu, cán bộ UBND phường góp ý để gia đình điều chỉnh cho phù hợp. Nhờ vậy, tình trạng người dân để thi hài người quá cố quá 48 tiếng đã được hạn chế đến mức thấp nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, nhà ở đường Tô Hiệu, phường Hòa Minh, người dân ở đây lâu nay không để thi hài người quá cố quá lâu trong khu dân cư, cũng như không rải vàng mã mỗi khi đưa tang nữa. Cách đây mấy tháng, có một người trong xóm qua đời đã được gia đình an táng sau hai ngày tổ chức tang lễ.
Nhân rộng các mô hình tiên tiến
Ở địa bàn phường Hòa Khánh Bắc cũng có nhiều cách làm hay trong việc tuyên truyền người dân tổ chức ma chay, tang lễ theo hướng văn minh, hiện đại. Ông Tô Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, trong các cuộc họp TDP, UBND phường đã tuyên truyền, vận động người dân; đồng thời phối hợp với Hội Người cao tuổi bởi cụ ông, cụ bà có vai trò quan trọng trong việc dạy bảo con cháu. Chỉ cần các cụ ông, cụ bà dặn dò sau khi mình qua đời không để thi hài quá lâu, hay đừng tổ chức linh đình, rải vàng mã thì con cháu sẽ thực hiện theo. “Với cách làm này, đến nay, tình trạng người dân để thi hài người thân quá quy định hay rải vàng mã trên đường đưa tang đã chấm dứt”, ông Tô Ngọc Quang nói.
Ông Trương Công Hiếu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu cho hay, để các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư”, “Năm văn hóa, văn minh đô thị” đi vào thực chất, có chiều sâu, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Phòng Văn hóa - Thông tin chú trọng khuyến khích, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong các khu dân cư nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Qua kiểm tra, tình trạng để thi hài người quá cố quá lâu, rải vàng mã đã giảm nhiều so với trước đây. “Chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hình thành thói quen của cộng đồng dân cư, tạo nét đẹp văn hóa trong việc tổ chức tang ma”, ông Hiếu nói thêm.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH