Chính trị - Xã hội

Tiến tới quản lý an toàn thực phẩm theo hướng thông minh

08:27, 04/11/2016 (GMT+7)

Sáng 3-11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì cuộc họp với một số đơn vị, sở, ngành liên quan về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn.

Theo Tổ công tác ATTP, trong 10 tháng qua, toàn thành phố có trên 80% các hộ nông dân triển khai ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đối với chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiến hành lấy 7 mẫu kiểm tra tồn dư hóa chất và ô nhiễm sinh học đối với vùng sản xuất rau trên địa bàn; thử nhanh trên 188 mẫu bắp cải Đà Lạt, có 1 mẫu nhiễm hoạt chất Difenoconazole; 10 mẫu xét nghiệm kiểm tra chất cấm tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm không phát hiện chất cấm. Đối với các cửa hàng, quầy thực phẩm an toàn, kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh, kết quả xử lý 4 trường hợp vi phạm...  

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu, trong tháng 11, các sở, ngành được giao nhiệm vụ phải hoàn thành công việc theo kế hoạch, phấn đấu vượt chỉ tiêu đặt ra để bảo đảm quản lý tốt chất lượng ATTP. Cụ thể, Tổ giúp việc tiếp tục thống kê bổ sung thêm các nội dung; đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tuyên truyền vận động, ký kết phối hợp thực hiện từ quận, huyện, sở, ban, ngành đến các tổ dân phố, đưa vào tiêu chí bình xét thi đua tổ dân phố. Các sở, ngành nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP, lãnh đạo các địa phương phải kiểm tra ít nhất 1 tuần/lần, nhất là các điểm nóng.

Tất cả cán bộ phụ trách ATTP tuyến quận, huyện đều phải được tập huấn đầy đủ. Các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà rà soát các hộ khai thác kinh doanh hải sản để tổ chức ký cam kết bảo đảm ATTP. Đẩy mạnh tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về ATTP ở các địa phương. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, sản xuất, ăn uống, chăn nuôi trên địa bàn thành phố trong tháng 11 về số lượng theo ngành nghề, chủng loại mặt hàng, số lượng lao động được đào tạo ATTP, quy mô sản xuất, tình hình chấp hành ATTP qua từng tháng để cập nhật số liệu ở các cơ sở; sau này có thể cung cấp cho khách du lịch đến Đà Nẵng chọn nơi sử dụng thực phẩm an toàn...; từ đó tiến tới việc quản lý ATTP theo hướng thông minh.

Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra đánh giá lại các quận, huyện; quan tâm 5 vùng rau an toàn để có chứng nhận VietGap; tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm, bố trí lãnh đạo thành phố và các địa phương ký cam kết vùng rau an toàn ngay tại gốc. Sở Công thương cần nhanh chóng triển khai thủ tục xây dựng chợ đầu mối nông - thủy sản mới theo hình thức xã hội hóa đầu tư; bảo đảm chất lượng ATTP tại chợ Đầu mối Hòa Cường, tăng cường quản lý các hộ tiểu thương nằm ngoài chợ.

Sở NN&PTNT nghiên cứu mở rộng sản xuất, hỗ trợ nông dân xử lý chất thải sau chăn nuôi, làm việc các đơn vị cung cấp gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn đầu vào có nguồn gốc; phối hợp Hội Nghề cá kiểm tra nguồn gốc cá tại các ngư trường, kiểm tra các nguồn gốc nhập vào đầu mối...

DUYÊN ANH

.