Chính trị - Xã hội

CHƯƠNG TRÌNH CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG

Hiệu quả không đồng đều

08:13, 01/12/2016 (GMT+7)

Hiệu quả chương trình cai nghiện tại gia đình-cộng đồng đang có sự “phân hóa” khá rõ giữa khu vực trung tâm và vùng ven. Trong khi các phường ở trung tâm thành phố làm khá tốt công tác này bằng những cách làm sát thực tế, thì các phường ven biển lại gặp nhiều khó khăn.

Tư vấn cai nghiện ma túy. 							        Ảnh: N.Đ
Tư vấn cai nghiện ma túy. Ảnh: N.Đ

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, 10 tháng đầu năm 2016, thành phố vận động được 82 người tham gia cai nghiện tại gia đình- cộng đồng. Đây là những con số khiêm tốn và cũng chưa phản ánh hết tình hình người nghiện tại các địa phương, nhưng bù lại, các địa phương đều thực hiện tốt các khâu từ lập hồ sơ, tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc, nhất là việc phân công theo dõi, giúp đỡ đối tượng nghiện.

Chính nhờ sự sâu sát này, số người tái nghiện chỉ chiếm 21,4% trong tổng số được cai nghiện. Đặc biệt, trong số này có khá nhiều phường ở khu vực trung tâm thành phố như: Thanh Khê Đông, Tam Thuận, Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), Bình Thuận, Hải Châu 2, Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu)... làm khá tốt từ công tác phát hiện, đến vận động đăng ký cai nghiện và quản lý sau cai.

“Bí quyết” để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thuận (quận Hải Châu), đó là: “Gần gũi và chia sẻ với đối tượng như những người bạn”. Chỉ khi tạo được sự gần gũi, người nghiện cũng như gia đình họ mới tin tưởng và hợp tác tốt với chính quyền.

Cũng nhờ chủ trương gần gũi và chia sẻ, chị Đỗ Thị Năm, cán bộ phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của phường phát hiện được nhiều đối tượng nghiện. Không ít người chia sẻ với chị Năm rằng họ lầm tưởng ma túy tổng hợp không gây nghiện như các loại ma túy khác và không vi phạm pháp luật nếu sử dụng, nên vô tư dùng thử trong một lần dự tiệc sinh nhật hoặc trong tiệc nhậu rồi trở thành nạn nhân lúc nào không biết.

Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương rất chú trọng công tác thông tin cho đối tượng nghiện cũng như người nhà của họ. Việc thông tin không mang tính phô trương hình thức mà chỉ đơn giản là những lần mời lên phường trao đổi, là dịp cuối tuần mời cà-phê tâm sự khuyên nhủ như những người bạn. Nhờ sự sát sao này mà từ đầu năm đến nay, phường Bình Thuận (quận Hải Châu) lập hồ sơ và giúp đỡ cho 9 đối tượng thực hiện cai nghiện tại gia đình-cộng đồng. Trong số này chỉ có 2 trường hợp tái nghiện nhiều lần, đã được chuyển về Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề 05-06 cai nghiện tập trung.

Trong khi đó, ông Trà Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu) “bật mí” thành công của địa phương là bám sát mô hình “8 trong 1”. Tức là khi phát hiện người nghiện, địa phương sẽ phân công 8 đầu mối quản lý cơ sở như Công an khu vực, tổ dân phố, Mặt trận, Đoàn Thanh niên... tổ chức tư vấn, kèm cặp, động viên để giúp họ cai nghiện. Theo đó, từ đầu năm đến nay, phường vận động được 14 trường hợp thực hiện cai nghiện tại gia đình-cộng đồng.

Bên cạnh đó, phường cũng giúp đỡ cho các đối tượng này vay vốn làm ăn cải thiện đời sống, tránh tình trạng “nhàn cư sinh... nghiện ngập”. Hằng tháng, những người đăng ký cai nghiện được Công an phường phối hợp với cơ quan y tế kiểm tra máu. Nếu nhiều tháng liền đối tượng không sử dụng ma túy sẽ được hỗ trợ vay vốn làm ăn. Với cách làm này, đến nay có 7 người được vay với gần 170 triệu đồng.  

Riêng với phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê), theo bà Lê Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường, thành công trong công tác cai nghiện tại gia đình-cộng đồng chính là nhờ Câu lạc bộ (CLB) Cai nghiện ma túy của phường hoạt động khá hiệu quả với các thành viên là đoàn viên thanh niên, phụ nữ và những người từng nghiện nay đã cai nghiện hoàn toàn.

Ngoài ra, phường cũng hỗ trợ các gia đình có người đăng ký cai nghiện vay vốn làm ăn cải thiện cuộc sống. Nhờ vậy, nhiều thành viên trong gia đình có người đăng ký cai nghiện phối hợp rất tích cực với địa phương trong công tác quản lý, động viên người nghiện cai nghiện thành công...

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tốt từ những phường ở khu vực trung tâm, một số phường ở ven biển như Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà) lại có người nghiện tăng cao.

Nguyên nhân của tình trạng này được các địa phương đưa ra khá giống nhau như đối tượng nghiện thường xuyên di chuyển chỗ ở, thất nghiệp hoặc làm ăn xa (đánh bắt thủy sản trên biển). Trong khi đó, nhiều gia đình có người nghiện lại thiếu sự hợp tác với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Đây là điều đáng quan tâm không chỉ của các địa phương có người nghiện, mà còn là trách nhiệm của chính quyền cấp quận; các ban, ngành thành phố có liên quan... để tiến tới việc không có người nghiện trong cộng đồng.

THANH VÂN

.