Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng, điểm sáng khuyến học, khuyến tài

08:05, 27/12/2016 (GMT+7)

(Tiếp theo và hết)

- Ba là, công tác khuyến học đã góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng cộng đồng học tập ở mỗi địa phương tiến tới xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố học tập. Xây dựng Gia đình hiếu học (GĐHH), Dòng học hiếu học (DHHH), Cộng đồng khuyến học (CĐKH) và Trung tâm Học tập cộng đồng (HTCĐ) là nội dung chính trong việc hỗ trợ hoạt động hệ thống giáo dục ngoài nhà trường, nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời.

Nhiều năm qua, phong trào thi đua xây dựng GĐHH được đẩy mạnh; đã xuất hiện nhiều dòng họ khuyến học, nhiều gương sáng hiếu học, nhiều mô hình khuyến học tiêu biểu. Tổng kết năm 2015, toàn thành phố đã có 67% gia đình đạt danh hiệu GĐHH; 70% dòng họ đạt danh hiệu DHHH, 55% cộng đồng đạt danh hiệu CĐKH.

Trong các năm 2014 và 2015, thành phố đã triển khai thí điểm các mô hình học tập tại 7 quận huyện và 36/56 phường, xã theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đánh giá thí điểm tiêu chí các danh hiệu học tập của 7.861 gia đình, 51 dòng họ, 94 thôn, tổ dân phố và 58 đơn vị, cơ quan tham gia thí điểm đã giúp cho Hội Khuyến học và Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố ban hành các quyết định triển khai nhân rộng các mô hình học tập trong toàn thành phố từ năm 2016; đánh giá công nhận các danh hiệu: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cấp thôn/tổ dân phố, “Đơn vị học tập” ở cơ sở giai đoạn 2016-2020; đánh giá xếp loại Cộng đồng học tập cấp xã/phường đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TU ngày 6-11-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng đã tạo điều kiện cho hàng vạn lượt người lao động tham gia học tập, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất và hiểu biết để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy còn nhiều khó khăn song các Trung tâm HTCĐ cũng đã có vai trò đáng kể trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại thành phố. Trong 5 năm qua, các Trung tâm đã tổ chức giảng dạy 1.124 chuyên đề, tạo điều kiện cho trên 140.000 lượt người lao động tham gia học tập, tiếp thu kiến thức cần thiết.

- Bốn là, gắn công tác khuyến học với khuyến nghề. Không chỉ tạo điều kiện về vật chất cho những học sinh có gia cảnh khó khăn học hết bậc THPT mà Hội Khuyến học còn tạo điều kiện để các em có học bổng để tiếp tục theo học trường nghề (THCN, cao đẳng). Chương trình học bổng do tổ chức Passerelles Numeriques Vietnam (PNV) phối hợp với Hội Khuyến học và Đại học Đà Nẵng từ năm 2010 đến nay đã tài trợ gần 5 tỷ đồng cho 74 em sinh viên theo học chương trình đào tạo CNTT trình độ cao đẳng mà sau khi ra trường phần lớn các em đều có việc làm.

Chương trình học bổng Spell Goes To College do tổ chức Đông Tây Hội ngộ phối hợp với Hội Khuyến học từ năm 2012 đến nay đã tài trợ hơn 1 tỷ đồng học bổng cho 64 sinh viên theo học các trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng và một số trường đại học và cao đẳng khác trong cả nước.

Đặc biệt, trong nhiều năm qua, Hội Khuyến học đã giới thiệu các em học sinh có kết quả học tập tốt nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn du học Nhật Bản theo phương thức vừa học vừa làm với sự giúp đỡ của Ban Khuyến học Báo Ashahi, Trung tâm Nhật ngữ Đông Du và nhiều Trung tâm Nhật ngữ tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Đã có hơn 500 học sinh du học Nhật Bản theo con đường này và đã có nhiều em thành đạt (có nghề, có việc làm ổn định, một số em có học vị tiến sĩ, thạc sĩ). Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cũng là một trường đang có thiện chí giúp đỡ học sinh gia đình nghèo có thêm điều kiện để theo học nghề tại trường.

- Năm là, thực hiện tốt công tác phối kết hợp với ban, ngành, hội đoàn thể, gắn kết phong trào thi đua khuyến học với các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Bên cạnh sự phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức Hội ở quận, huyện, phường, xã và hội viên ở khu dân cư, trường học, tộc họ đều có chuyển biến tích cực, thể hiện được vai trò làm nòng cốt liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT.

Nổi bật là, Hội khuyến học các cấp đã chủ động lồng ghép phong trào khuyến học với các phong trào lớn do Mặt trận Tổ quốc phát động như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Vì người nghèo”, gắn việc xây dựng Gia đình văn hóa với xây dựng Gia đình hiếu học, Gia đình học tập; xây dựng khu dân cư văn hóa với xây dựng cộng đồng khuyến học, cộng đồng học tập; lồng ghép phong trào xóa đói giảm nghèo với việc hỗ trợ học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh hiếu học gia đình nghèo… Nhờ thế mà công tác khuyến học ngày càng mang tính quần chúng rộng rãi, ngày càng tranh thủ được sự đồng thuận cao của xã hội.

Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hội Khuyến học vào ngày 26-10-2016 mới đây đã  đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội: “Tôi cho rằng Đà Nẵng trở thành một trong những tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng thấp nhất nước, là địa phương gần như không có trẻ em bỏ học vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, thành phố có nhiều học sinh đoạt giải Olympic quốc tế… có một phần công sức đóng góp không nhỏ từ các hoạt động khuyến học, khuyến tài”.

Và: “Tất cả đã góp phần tạo ra một xã hội học tập khá tốt trên địa bàn thành phố và quan trọng hơn hết là đẩy mạnh việc phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, công tác an sinh xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo của thành phố”.

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm trên, đồng chí Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã phát biểu: “Hội Khuyến học Đà Nẵng đã bền bỉ triển khai các hoạt động khuyến học, kế tục xứng đáng cuộc vận động khuyến học năm xưa của các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và những danh nhân khác của Đông Kinh Nghĩa thục”.   

Với những thành quả đạt được, Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng được tặng thưởng các phần thưởng cao quý sau: Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì (năm 2008 và 2014); nhiều năm liền nhận cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Hội Khuyến học Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng; nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng…; ông Phạm Đình Hảo, nguyên Chủ tịch Hội được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Những thành tựu nổi bật có được trong 20 năm qua là do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân cơ bản mang tính quyết định sau:

Thứ nhất là, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, của Thành ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận, các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể các cấp cùng với sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, của các tổ chức và cá nhân tâm huyết với sự nghiệp khuyến học đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức lẫn hành động đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng XHHT.

Thứ hai là, lòng nhiệt thành, tâm huyết, trách nhiệm của hàng ngàn cán bộ, hội viên khuyến học mà phần lớn trong số đó là những cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo mặc dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn tâm huyết với sự nghiệp trồng người nên khi bắt tay vào hoạt động khuyến học với nhiệt tâm mới, không tính toán vụ lợi đã tạo ra được sự phát triển lớn mạnh cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT của thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, Thành Hội tham mưu cho lãnh đạo thành phố tích cực triển khai đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị theo quan điểm được đề ra tại Chỉ thị 39-CT/TU ngày 6-11-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng: “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận và các hội đoàn thể vận động, trong đó Hội Khuyến học và ngành giáo dục và đào tạo làm nòng cốt tham mưu”. Sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về công tác khuyến học đã, đang và sẽ là cơ sở thuận lợi để phát huy mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực về cơ sở vật chất và con người của thành phố nhằm triển khai thắng lợi phong trào học tập suốt đời trong thời gian tới.

Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng tự hào là người kế tục và phát triển truyền thống hiếu học và khuyến học trước đây, đã và đang cố gắng không ngừng trong cuộc vận động toàn dân học tập. Những đóng góp tích cực của Hội trong hai thập niên qua không những góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo mà còn góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội của thành phố; khẳng định vị thế xã hội của Hội Khuyến học trong lòng nhân dân thành phố, trong việc thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho: Khuyến học, khuyến tài, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố học tập.

TRẦN ĐÌNH LIỄN

.