Chính trị - Xã hội

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)

Chuyển biến từ nhận thức sang hành động

08:45, 16/12/2016 (GMT+7)

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGD) đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và toàn xã hội đã nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm đối với công tác DS. Sự phối hợp hành động giữa các cơ quan, ban, ngành có nhiều chuyển biến tốt.

Công tác DS là nội dung chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các cấp ủy và chính quyền các cấp. Lãnh đạo thành phố ban hành chỉ thị, các chính sách và xây dựng được nhiều mô hình tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng có nhận thức và hành vi đúng về công tác DS, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và bền vững.

Đà Nẵng từng bước cải thiện rõ rệt chất lượng DS. Tuổi thọ bình quân của người dân thành phố là 75,6, cao hơn tuổi thọ bình quân chung toàn quốc. Đây là thành tựu lớn và rất có ý nghĩa, cho thấy các điều kiện sống, sức khỏe, môi trường, các chương trình phúc lợi và đặc biệt là công tác DS của thành phố được quan tâm đầu tư thích đáng.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 17,9% vào năm 2005 xuống còn 4,6% năm 2014. Tương tự, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi từ 13,2% năm 2005 xuống còn 7,1% năm 2014. Từ năm 2005 đến nay không có trường hợp chết mẹ do thai sản. Tỷ lệ phụ nữ mang thai tham gia khám sàng lọc trước sinh đạt trên 10% và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 25%.

Thành phố Đà Nẵng có Bệnh viện Phụ sản–Nhi, Bệnh viện Phụ nữ, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và 7/7 khoa sản tại các trung tâm y tế quận, huyện, 56/56 xã, phường đều có cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ.

Ngành Y tế thành phố bảo đảm cung cấp các dịch vụ KHHGĐ kịp thời, thuận tiện, an toàn cho người dân. Thành phố cũng ưu tiên triển khai các chương trình, dự án nâng cao chất lượng DS cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân cư ven biển, vùng nghèo khó khăn…; qua đó góp phần kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, duy trì tỷ số giới tính khi sinh dưới 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái.

Ngoài các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu, lãnh đạo thành phố tăng cường chỉ đạo, điều hành coi đây là biện pháp quan trọng để công tác DS thực sự đi vào từng hộ dân, đến với mỗi người dân từ vùng nội ô đến vùng ven và miền núi.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện công tác DS như: hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực ngày càng được tăng cường và ổn định, chuyên nghiệp; nguồn tài chính huy động được ngày càng lớn, ngoài nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố huy động được nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ…; qua đó tạo điều kiện để các tổ chức, đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng từng bước được nâng cao. Cùng với việc phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã có, những năm qua, thành phố được Tổng cục DS trang bị phương tiện hiện đại như máy siêu âm 3 chiều, thiết bị sàng lọc trước sinh và sơ sinh...

Bên cạnh những thành công trên, công tác DS của Đà Nẵng cũng còn những vấn đề tồn tại cần khắc phục như: tổ chức bộ máy thiếu tính ổn định; một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn kinh phí ngày càng bị cắt giảm; chủ trương xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ chưa được triển khai mạnh mẽ; chưa có chế tài bắt buộc thực hiện các quy định về kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân; một số cơ sở dịch vụ y tế tư nhân vẫn thông báo kết quả giới tính thai nhi cho sản phụ; quy mô DS giữa các quận, huyện còn chênh lệch; một số cấp ủy Đảng và chính quyền cũng như một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác DS.

Để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, làm tốt Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tập trung thực hiện các nội dung sau: tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 47-NQ/TW và Chỉ thị 23-CT/TU của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác DS;

đưa công tác DS thành một nội dung trọng tâm  trong hoạt đông thường kỳ; đưa các chỉ tiêu, mục tiêu về DS phát triển vào nghị quyết, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đơn vị mình; tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng DS, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân; duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý; bảo đảm quy mô DS thành phố không quá 1,4 triệu người vào năm 2020;

tạo cơ sở vững chắc tiến tới ổn định quy mô DS ở mức 2 triệu người từ giữa thế kỷ XXI; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác DS; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên; tăng cường đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác DS;

đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lục cho công tác này và cuối cùng là chuyển trọng tâm chính sách DS-KKHGĐ sang “dân số và phát triển” để giải quyết toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng DS bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố.

CHUNG ANH

.