Chính trị - Xã hội

Xử nghiêm tội phạm tham nhũng, mạnh tay với thực phẩm bẩn

16:47, 01/12/2016 (GMT+7)

ĐNĐT - Sáng 1-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV đơn vị Đà Nẵng gồm các ông, bà: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Thanh Quang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng; Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của QH; Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp; Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế tiếp xúc cử tri quận Cẩm Lệ. Dự buổi tiếp xúc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Đặng Thị Kim Liên.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh phát biểu tiếp thu, giải đáp kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh phát biểu tiếp thu, giải đáp kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc.

Công tác phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả

Tại buổi tiếp xúc, đông đảo cử tri quận Cẩm Lệ đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua với nhiều nội dung quan trọng, đạt chất lượng khá cao, cùng nhiều đổi mới trong công tác chất vấn, trả lời chất vấn, thể hiện được tính dân chủ, thẳng thắn, hạn chế trả lời bằng văn bản. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng và các Bộ trưởng trả lời thể hiện rõ quan điểm của Chính phủ và ngành đối với những nội dung được đại biểu QH cũng như cử tri cả nước quan tâm; thẳng thắn nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm, từ đó đề ra các giải pháp, lộ trình sẽ được triển khai trong thời gian tới để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.

Cử tri Nguyễn Đăng Ngãi (phường Hòa Thọ Tây) cho rằng công tác xét xử các vụ án tham nhũng được đẩy mạnh và triển khai tốt, tuy nhiên việc phát hiện, ngăn chặn tham nhũng vẫn chưa thật sự hiệu quả; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp; những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng chậm được khắc phục.

Trong khi đó, cử tri Trần Quang Sâm (phường Hòa Thọ Đông) đưa ra dẫn chứng: Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trên cả nước phát hiện số tiền tham nhũng 60.000 tỷ đồng nhưng chỉ thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng là quá ít; đồng thời đề nghị QH sớm có giải pháp quyết liệt để thu hồi số tiền; xử lý nghiêm người gây ra lãng phí, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các đơn vị liên quan.

Cử tri Sâm đề nghị QH làm rõ trách nhiệm cá nhân trong những dự án thua lỗ, lãng phí như: Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình…; tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là đối với việc giải quyết các vụ việc bức xúc, có dấu hiệu oan sai.

Đối với các sai phạm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, các cử tri Nguyễn Đăng Ngãi và Lê Chiến (phường Khuê Trung) cho rằng các hình thức xử lý với những vụ sai phạm trên vẫn còn quá nhẹ, đề nghị QH, Chính phủ có hình thức kỷ luật thích đáng để làm gương cho cán bộ, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bên cạnh đó, các cử tri Nguyễn Công Thành (phường Hòa An) và Nguyễn Anh (phường Khuê Trung) bày tỏ lo ngại, bất bình khi thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng nhiều sân bay, cảng, bố trí vũ khí tại các bãi đá, đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân, vi phạm luật pháp quốc tế. Các cử tri đề nghị đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại, thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông.

Ngoài ra, cử tri quận Cẩm Lệ cũng đề nghị QH, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ mức độ ảnh hưởng môi trường đối với dự án nhà máy thép thượng nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại trẻ em, phụ nữ; giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền Trung; sớm có biện pháp xử lý triệt để thực phẩm “bẩn”; quan tâm chính sách cho cán bộ nghỉ hưu, người cao tuổi.

Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, mạnh tay với thực phẩm “bẩn”

Thay mặt Đoàn đại biểu QH đơn vị Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu, kiến nghị của cử tri quận Cẩm Lệ. Liên quan đến những ý kiến của cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, đẩy mạnh vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương; Chính phủ tăng cường chỉ đạo xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo ra hành lang pháp lý cho nhiệm vụ này. Ngoài ra, các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.

Về sai phạm của nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh các cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ các sai phạm liên quan nhằm sớm công bố hình thức xử lý phù hợp, đảm bảo tính nghiêm minh. Đối với trường hợp của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định hiện các cơ quan chức năng đang tích cực truy lùng ông Trịnh Xuân Thanh để đưa về nước xét xử theo luật định; đồng thời trong những ngày tới sẽ có công bố xác định trách nhiệm của các cơ quan trong việc đề bạt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh.

Cử tri Nguyễn Đăng Ngãi (phường Hòa Thọ Tây) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Cử tri Nguyễn Đăng Ngãi (phường Hòa Thọ Tây) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trước những lo ngại của cử tri về việc xây dựng nhà máy thép ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết, trước hết phải đánh giá tác động môi trường, giám sát công nghệ xả thải của nhà máy rồi mới tính đến chuyện triển khai xây dựng. “Thời gian tới, Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng sẽ có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương nhằm yêu cầu các đơn vị thực hiện giám sát ngay từ đầu, không xả thải trực tiếp ra cửa sông”, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

Ông Đinh Thế Huynh cũng đồng tình với bức xúc của cử tri trước tình trạng thực phẩm “bẩn”, sử dụng hóa chất trong thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp; khẳng định Đoàn đại biểu QH thành phố sẽ chuyển ý kiến này đến các bộ, ngành liên quan nhằm đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thiết lập chế tài xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự trong một số trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.

Chia sẻ với bức xúc của cử tri về sự cố môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, ông Đinh Thế Huynh cho biết các cơ quan Trung ương đang làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc cấp phép, đặc biệt là trong việc phê duyệt quy trình xả thải gây nên sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng.
Các vấn đề về chính sách cho người cao tuổi; cán bộ về hưu; công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, phụ nữ và kiến nghị về xây dựng chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn vay tiêu dùng cũng được Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh giải đáp cụ thể, rõ ràng.

Liên quan đến tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây, ông Đinh Thế Huynh khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ Tổ quốc; triển khai tích cực và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên biển thuộc chủ quyền quốc gia.

Tin và ảnh: QUỐC KHẢI
 

.