Chính trị - Xã hội
Cần chiến lược thích ứng với già hóa dân số
Trên địa bàn Đà Nẵng có 2.605 người cao tuổi sinh hoạt trong 56 câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại các phường, xã. Các CLB có nhiều hoạt động đa dạng như: khám sức khỏe tổng quát, cấp phát thuốc và tư vấn chăm sóc sức khỏe.
Tiết mục tại mít-tinh kỷ niệm Ngày dân số Việt Nam và phát động chiến dịch truyền thông đợt 1, 2016. |
Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới với hơn 10 triệu người cao tuổi và tăng lên 32 triệu người vào năm 2050. Điều này tạo nên thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia và đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe.
Nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó là năm 2017. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, thời gian quá độ chuyển sang dân số già của Việt Nam chỉ có 15 năm.
Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh cũng đặt ra thách thức lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, khu vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Trước tình hình trên, ngành Y tế cần những biện pháp chiến lược thích ứng với tình trạng già hóa dân số. Với người cao tuổi, cách điều trị, chăm sóc sức khỏe sự khác biệt với những người ở độ tuổi khác. Việc chữa trị bệnh người già thường đòi hỏi thời gian lâu dài và theo dõi thường xuyên.
Sự ra đời của các mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố mang lại ý nghĩa lớn lao trong việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần của người cao tuổi nói riêng và nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe dân số nói chung.
Tại phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), mô hình này đang thật sự phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng. Bà Hoàng Thị Nghịn, Chủ nhiệm CLB Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng phường Hòa Phát chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB, tôi vận động, tuyên truyền nhân dân thay đổi nhận thức, bỏ dần hủ tục trọng nam, khinh nữ, sinh đủ hai con để chăm sóc và nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng sống. Bản thân tôi luôn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt thật sự có ích cho người cao tuổi. CLB của phường năm nào cũng là đơn vị đi đầu trong công tác dân số và thực hiện gia đình ít con của quận Cẩm Lệ”.
Chăm sóc người cao tuổi là vấn đề cần sự quan tâm của cả xã hội, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện vẫn chưa bắt kịp sự thay đổi về cơ cấu dân số. Mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe dành cho người cao tuổi chưa phát triển, số nhân viên y tế phục vụ tại cộng đồng vừa thiếu về số lượng, vừa yếu kỹ năng, nghiệp vụ. Đây chính là một “lỗ hổng” của ngành Y tế cần được hoàn thiện trong thời gian đến.
Bài và ảnh: MAI KHUÊ