Đà Nẵng cuối tuần
Những bông hoa trong vườn Bác
Nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, 3 năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã phối hợp với Báo Đà Nẵng xuất bản tập sách “Học Bác một đời - Học Bác mãi mãi”.
Mỗi năm một tập sách ra đời, bạn đọc được “chiêm ngưỡng” những bông hoa tỏa ngát hương trong khu vườn “học tập theo gương Bác” qua những trang viết bình dị và gần gũi. Để rồi khép lại mỗi cuốn sách, những bài học của Bác không hề xa vời, cao siêu mà đến với mọi người thật tự nhiên và bình dị, đi thẳng vào trái tim và khối óc của từng người dân.
3 tập sách Học Bác một đời - Học Bác mãi mãi đã truyền tải đến người đọc những trang viết dung dị và đời thường, góp phần thiết thực vào công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. |
Lan tỏa phong trào theo gương Bác
Lần giở những trang viết trong các tập sách “Học Bác một đời - Học Bác mãi mãi”, chưa bao giờ phong trào học tập và làm theo gương Bác lại phát triển sâu rộng và lan tỏa trên địa bàn thành phố như những năm qua. Phong trào này đã bước sang một giai đoạn mới và hiệu quả mới khi những việc đăng ký làm theo dần đi vào thực chất và bám sát thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội.
Từ đây hình ảnh về một “thành phố đáng sống” được lan tỏa đã đưa Đà Nẵng có tên trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế như một điểm đến mới nổi hấp dẫn và an toàn. Những câu chuyện xảy ra hằng ngày ở thành phố như bác lái xe taxi trả lại của rơi cho khách du lịch, ông chủ khách sạn mở nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách miễn phí, anh cảnh sát giao thông giúp du khách qua đường… đã được bạn bè quốc tế chia sẻ qua các mạng xã hội.
Thương hiệu về một thành phố Đà Nẵng yên bình, thân thiện, sống tốt và sống đẹp giờ đây không còn quẩn quanh trong những chỉ thị khô khan, trong những công văn cứng nhắc mà bước ra từ những câu chuyện thực tế ngoài đời.
Những câu chuyện đó được các tác giả, nhà lãnh đạo, nhà báo… truyền tải qua những trang viết thấm đẫm tình người, đong đầy cảm xúc, thậm chí còn có cả giọt nước mắt rơi sau mỗi con chữ.
Phần 1 của mỗi tập sách là những bài viết của lãnh đạo thành phố về kết quả thực hiện, định hướng đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng bộ và nhân dân thành phố. Những bài viết của lãnh đạo thành phố trong các tập sách này không phải là kết luận chỉ đạo ở hội nghị hay báo cáo tổng kết với chi chít số liệu mà là những lời chia sẻ đầy cảm xúc nên dễ dàng đi vào lòng người đọc.
Như bài viết Học tập và làm theo Bác để phục vụ nhân dân tốt hơn mở đầu cho tập 3 của Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nêu lên hình ảnh một vị lãnh tụ khiêm tốn và giản dị trong lời nói nhưng bất cứ ai soi vào gương Bác cũng đều tìm thấy cho bản thân mình những điều có thể học tập và làm theo.
Từ lời nói và việc làm của Bác, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đúc kết: “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác có rất nhiều bài học cho chúng ta noi theo, nhưng tôi cho rằng bài học lớn trước tiên mà mỗi cán bộ, đảng viên nên học Bác là tư tưởng vì dân.
Cán bộ cần chịu khó tiếp cận thực tiễn, đi thực tế, chỗ nào càng khó khăn, đời sống xã hội càng phức tạp, nơi nào dân nghèo, dân khổ, dân bức xúc… thì cán bộ cần phải quan tâm thường xuyên hơn”. Bài viết Có Bác bên mình, có Bác đâu đây của thầy giáo Huỳnh Văn Hoa là cảm xúc riêng tư khi tác giả thể hiện chân dung Bác qua những dòng bình luận, phân tích mảng thơ ca viết về người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. “Hiểu Bác là hiểu nhân dân, hiểu lịch sử. Do đó, phản ánh như thế nào và bằng cách gì vẫn là niềm băn khoăn, trăn trở của nhiều nghệ sĩ”, thầy giáo Huỳnh Văn Hoa nhận xét.
Những tấm gương giữa đời thường
Qua 3 tập sách, nhìn chung, đại đa số cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn thành phố đều xác định học tập và làm theo gương bác trở thành nhu cầu văn hóa tự thân của mỗi người. Ở phần 2 của các tập sách, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiến sĩ công an kiên quyết đấu tranh với tội phạm, hình ảnh người bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân hay các kỹ sư, công nhân giàu sáng kiến… Đó đều là những chiến công, những hy sinh, những đóng góp… thầm lặng mà công dân thành phố dâng hiến cho cuộc đời.
Trong tập 2, với bài viết Học Bác thì hãy lặng lẽ hiến dâng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhận định: “Làm một việc để được vinh danh cũng đã tốt, mà lặng lẽ làm việc, lặng lẽ dâng hiến cho đời lại càng tốt hơn. Biểu dương, tôn vinh những người có nhiều thành tích vì xã hội, vì cộng đồng là cần thiết. Nhưng trên hết cần nghiêm túc học lại bài học về đức hy sinh, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân mà Hồ Chí Minh đã dạy từ gần một trăm năm trước. Đó là bài học về sự dâng hiến”.
Trong 3 tập sách, người đọc dễ dàng cảm nhận sự dâng hiến tự nguyện của các tập thể, các tấm gương điển hình trong cuộc sống qua bài viết chân thực của các phóng viên, nhà báo. Để rồi không ít người đọc xúc động, ngỡ ngàng khi bắt gặp những con người sẵn sàng gác lại việc nhà bộn bề để lo việc “vác tù và hàng tổng” với đồng lương ít ỏi, thậm chí là “làm không công”.
Tấm gương chị Trịnh Thị Hồng (Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5, quận Liên Chiểu) trong bài viết Dành “tình yêu đặc biệt” cho cộng đồng của nhà báo Thu Hoa thật bình dị với hình ảnh người phụ nữ suốt ngày xốc vác công việc của khu phố. 6 mô hình mà người phụ nữ nhỏ bé này khởi xướng đã được cất tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế, góp phần đem đến cho người dân khu phố cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hay như tấm gương Trung tá Phan Thanh Minh (Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu nghị Nam Lào) trong bài viết Người luôn đứng mũi, chịu sào của tác giả Phan Tùng Lâm là hình ảnh người cán bộ nhiệt tình với công việc, luôn gần gũi và yêu thương đồng đội. Bao vất vả, nhọc nhằn với nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, Trung tá Minh đành phải dồn hết lên đôi vai người vợ tảo tần để khoác ba lô theo những công trường, dự án.
Rồi những Bác sĩ của bệnh nhi, Người phá nhiều chuyên án ma túy “khủng”, Người cựu chiến binh giàu lòng nhân ái… qua cách viết tinh tế, giàu cảm xúc của các phóng viên, nhà báo lần lượt hiện lên lấp lánh trên từng trang viết.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang, 3 tập sách “Học Bác một đời - Học Bác mãi mãi” với số lượng phát hành trên hàng nghìn cuốn đã giới thiệu những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác, góp phần lan tỏa những tấm gương điển hình đến với toàn xã hội.
Qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều mô hình đẹp, cách làm hay đang từng ngày xuất hiện và không ngừng được nhân rộng trên địa bàn thành phố. Không có những số liệu khô khan, không có những câu chữ cứng nhắc, tập sách “Học bác một đời - Học Bác mãi mãi” là ấn phẩm gây ấn tượng cho bạn đọc thành phố.
Trong nhiều tấm gương điển hình được nêu trong các tập sách đã có người lọt vào danh sách bình chọn “Công dân Đà Nẵng tiêu biểu Đà Nẵng” như chị Trịnh Thị Hồng (Trưởng ban Công tác Mặt trận khi dân cư Hòa Phú 5, quận Liên Chiểu), ông Võ Hữu Huynh (Bí thư Chi bộ KDC 7, phường Bình Hiên, quận Hải Châu), chị Huỳnh Thị Thưởng (Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang)… Họ không phải là những tượng đài, không phải là những người nổi tiếng mà họ chỉ là những tấm gương rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng làm nên những điều rất phi thường.
Không lý thuyết và không hình thức, 3 tập sách “Học Bác một đời - Học Bác mãi mãi” đã truyền tải đến người đọc những trang viết dung dị, đời thường. Các tập sách đã góp phần thiết thực vào công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Như Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh: “Một thành phố đáng sống không những có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, không chỉ dẫn đầu các phong trào thi đua trong cả nước mà còn phải hướng đến việc chăm lo tốt hơn cho đời sống nhân dân”.
HOÀNG HÂN