Chính trị - Xã hội
Đà Nẵng - trẻ hóa cán bộ
Đà Nẵng quyết tâm trẻ hóa cán bộ chỉ một năm sau khi thành phố trực thuộc Trung ương và đã bắt đầu từ cấp gần dân nhất - cấp phường xã. Nhiều năm trước đó, hầu hết chức danh cán bộ chủ chốt cấp phường xã ở Đà Nẵng là do những công chức đã nghỉ hưu chuyển sinh hoạt đảng về nơi cư trú đảm nhiệm, và rồi lớp hưu sau kế cận lớp hưu trước, cứ thế cứ thế…
Mô hình này phù hợp với những năm cuối thập niên 70 cũng như những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, nhưng càng ngày càng bộc lộ sự bất cập trong việc chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ phường xã nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Chính vì thế mà Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Phước Hường đã trực tiếp tham mưu cho Thường trực Thành ủy điều chỉnh sự phân công cấp ủy ở xã phường, theo đó ngay từ mấy năm cuối cùng của thế kỷ XX, các chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch ủy ban nhân dân phường xã chỉ được quy hoạch và bố trí đối với những cán bộ còn trong độ tuổi lao động.
Tôi còn nhớ hôm triển khai chủ trương này, Bí thư Thành ủy Trương Quang Được - nay đã quá cố - đích thân sang tận cơ quan Ban Tổ chức Thành ủy để chỉ đạo.
Từ việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, thu hút... cán bộ trẻ, Đà Nẵng có một thế hệ cán bộ kế cận năng động, dám nghĩ, dám làm. TRONG ẢNH: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình gặp gỡ Câu lạc bộ Cán bộ trẻ tháng 9-2010. (Ảnh tư liệu) |
Tôi cũng còn nhớ khi văn bản hóa chủ trương vừa nêu, đã có sự cân nhắc về cấp ký ban hành và cuối cùng chọn phương án được xem là an toàn hơn: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Phước Hường ký một công văn mang tính tác nghiệp của cơ quan tổ chức xây dựng Đảng hướng dẫn điều chỉnh sự phân công cấp ủy ở xã phường.
Thế nhưng dường như sự thận trọng này không thực cần thiết, bởi việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ ở các phường xã diễn ra suôn sẻ, chứng tỏ chủ trương mang tính đột phá này thực sự có sức thuyết phục, và chỉ sau một/hai nhiệm kỳ, các chức danh bí thư và phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng nhân dân/ủy ban nhân dân phường, xã đều do cán bộ còn trong độ tuổi lao động đảm trách.
Chủ trương sáng suốt này còn mở đường cho sự thành công của Đề án tạo nguồn hai chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân phường xã - còn gọi là Đề án 89 - khởi sự vào đầu năm 2008, một đề án được chính Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh - nay cũng đã quá cố - trực tiếp “đặt hàng”/giao nhiệm vụ cho Ban Tổ chức Thành ủy.
Tính đến tháng 10 năm 2016, có 71 người xuất thân học viên Đề án 89 trở thành cán bộ chủ chốt phường xã (4 bí thư đảng ủy- trong đó có 3 là quận ủy viên và kiêm chức chủ tịch hội đồng nhân dân; 9 chủ tịch ủy ban nhân dân; 16 phó bí thư thường trực đảng ủy - trong đó có 2 kiêm chức chủ tịch hội đồng nhân dân; 5 phó bí thư đảng ủy tăng thêm - trong đó có 1 kiêm chức chủ tịch hội đồng nhân dân và 2 kiêm chức phó chủ tịch hội đồng nhân dân; 18 phó chủ tịch hội đồng nhân dân và 19 phó chủ tịch ủy ban nhân dân); tất cả đều sinh sau ngày đất nước thống nhất (có 18 người sinh từ năm 1975 đến năm 1979 và 53 người sinh từ năm 1980 đến năm 1986).
Ngoài ra còn có 19 học viên nữa là đảng ủy viên đang tích cực phấn đấu để sớm được bố trí vào các chức danh theo đúng mục tiêu đào tạo; chưa kể hai học viên là Quận ủy viên làm Bí thư Quận Đoàn - tương đương bí thư đảng ủy phường xã - ở Ngũ Hành Sơn và Thanh Khê.
Có thể nói đây là một nỗ lực đáng kể của Đà Nẵng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt phường xã - chứ không phải cán bộ phường, xã nói chung - theo hướng chuyên nghiệp hóa. Không phải ngẫu nhiên mà người trực tiếp tham mưu cho Thường trực Thành ủy về Đề án này được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Nguyễn Huy Khang Ninh (phải), một trong những người tham gia Đề án 922, trong ngày lễ tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế tại Trường đại học Monash. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Chiến lược cán bộ của Đà Nẵng trong hai mươi năm qua chủ yếu đi theo hai hướng: chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp phường xã và tạo nguồn chuyên gia trên các lĩnh vực chủ yếu cho cấp thành phố và một phần cho cấp quận, huyện. Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Đà Nẵng do vậy cũng được triển khai theo cả hai hướng này.
Về hướng tạo nguồn chuyên gia trên các lĩnh vực, đáng chú ý là Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - còn gọi là Đề án 922. Xét về phương diện trẻ hóa thì đây là nỗ lực lớn nhất của Đà Nẵng để chủ động tuyển chọn và đầu tư ngân sách đưa đi đào tạo tại các trường đại học danh giá chủ yếu ở một số quốc gia phát triển hàng trăm học sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông và công chức/viên chức trẻ.
Tính đến tháng 10 năm 2016, có 433/610 người tham gia Đề án 922 đã tốt nghiệp, trong đó có 336 học viên Đề án đang công tác tại các cơ quan thuộc thành phố (139 người được bố trí tại các cơ quan hành chính; 188 người được bố trí tại các đơn vị sự nghiệp, 9 người được bố trí tại khối đảng và đoàn thể). Nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo bài bản này đã góp phần nâng cao chất lượng công vụ của đội ngũ công chức/viên chức thành phố.
Tuy không phải là mục tiêu chính của Đề án 922, nhưng gần 50 học viên, nhất là các học viên từng có quá trình thực thi công vụ trước khi được chọn cử đi đào tạo, đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác và được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý từ cấp phòng trở lên, trong đó có 7 người thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quyết định.
Trong công tác cán bộ của Đà Nẵng, “ba đúng” là một yêu cầu rất quan trọng: chọn đúng người để giao đúng việc vào đúng lúc. Chọn đúng người để giao đúng việc nhằm hạn chế tình trạng người làm được thì không được làm, người được làm thì làm không được; còn vào đúng lúc tức là vào lúc người ta thể lực sung mãn, nhiệt huyết tràn đầy, nhờ vậy mà sức sáng tạo có thể được bộc lộ mạnh mẽ hơn.
Tôi còn nhớ hồi đương làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, có lần tôi gọi điện đề nghị một phó giám đốc sở nổi tiếng là có “con mắt xanh” tiến cử vài nhân sự mới để đưa vào quy hoạch. Khi giới thiệu một cán bộ trẻ có bằng tiến sĩ, người tiến cử nói rằng anh này hầu như chỉ có một hạn chế duy nhất là… còn trẻ.
Tôi nghĩ có khi ngược lại mới đúng, và tôi hiểu thực ra người tiến cử cũng muốn nhấn mạnh điều ngược lại - nghĩa là ưu điểm lớn nhất của anh cán bộ trẻ có bằng tiến sĩ chính là anh ta… còn trẻ. Và hiện nay anh ta đã trở thành... giám đốc sở.
Một kinh nghiệm của Đà Nẵng trong nỗ lực trẻ hóa đội ngũ cán bộ là thành lập Câu lạc bộ Cán bộ trẻ. Có một câu hỏi không thể không đặt ra là vào Câu lạc bộ Cán bộ trẻ để làm gì? Theo tôi, trước hết là để tập làm lãnh đạo. Cũng có người cho rằng không nên đặt ra mục tiêu này, nhưng tôi nghĩ khác. Có điều tập làm lãnh đạo thì đương nhiên phải học tác phong lãnh đạo, nhưng không nên sớm lên giọng… lãnh đạo.
Mới tập làm lãnh đạo mà đã vội lên giọng lãnh đạo còn hơn cả các nhà lãnh đạo đương nhiệm là điều không nên. Và cũng cần đề phòng hai căn bệnh có khi là nan y không thuốc chữa: một là bệnh sốt... ruột, hai là bệnh tự mãn.
Một nhà giáo dục nổi tiếng đời nhà Nguyễn là cụ Nguyễn Đức Đạt từng khẳng định: “Người quân tử học là vì mình, học không phải để làm quan, sự học vì mình thì phải học suốt đời, còn kẻ nào học để làm quan, chưa làm thì học, được làm quan rồi thì không học nữa”.
Ở đây cụ Nguyễn không có ý bài xích mục tiêu học để làm quan. Học để làm quan cũng phải được xem là một mục tiêu học tập, thậm chí là mục tiêu đào tạo quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Cụ Nguyễn chỉ muốn nói học để làm quan không phải là mục tiêu duy nhất của sự học, và điều quan trọng hơn mà cụ muốn nói là học để làm quan hay học vì mình - vì sở thích và sở trường của mỗi cá nhân - đều phải học suốt đời.
Cụ không chê trách những quan chức không học - thời cụ không học hành hẳn hoi không thể làm quan, cụ chỉ chê trách những quan chức- nhất là những người trẻ tuổi sớm thành đạt - do tự mãn mà không học tiếp, không học nữa.
Bùi Văn Tiếng