Chính trị - Xã hội

Cánh chim đầu đàn, giờ đã bay xa...

14:02, 15/02/2017 (GMT+7)

Anh Mai Linh Quý, cựu sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), người con trai trưởng của Đại tá, Anh hùng LLVTND Mai Văn Dậu, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) nói với tôi: “Do tuổi cao, sức kiệt, cụ đã không qua khỏi”.

Nhìn đôi mắt anh Quý đỏ hoe ngấn nước, trong tôi lại dâng trào bao niềm xúc động. Mới hôm trước tôi có ghé nhà, nghe anh Mai Đình Liêm, người con trai út  bảo ông còn ăn được nên chuẩn bị đưa cháo vào bệnh viện thế nhưng chỉ mấy ngày sau ông đã vội vã bước vào chốn thiên thu. Vẫn biết sự ra đi của ông đều được dự báo trước theo quy luật sinh tử nghiệt ngã nhưng tất cả những người thân quen, bà con hàng xóm, láng giềng đều sửng sốt, bàng hoàng khi hay tin ông từ biệt dương gian lúc 7 giờ 20 phút ngày 14-2-2017.

Còn nhớ sau ngày miền Nam giải phóng, tôi là chiến sĩ Đồn CAND Thuận Phước nên khoảng thời gian này đã biết ông, bởi  lúc đó ông là Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng CANDVT (nay là Bộ đội Biên phòng).

Ông đưa gia đình từ xứ sở chiếu cói Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa vào Đà Nẵng sinh sống nhưng không có nhà ở. Để tạo điều kiện cho ông công tác, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nhà đất bố trí cho gia đình ông ngôi nhà cấp 4 nằm sát bên con đường nhỏ chạy ra bến cá.

Đồn Công an Thuận Phước cách nhà ông không xa nên thỉnh thoảng các buổi tối hễ thấy ông ở nhà tôi lại ghé vào chơi. Lần nào ông cũng pha ấm trà ngon, lấy gói thuốc lá Thủ Đô, Bông Sen đầu lọc, kẹo bánh ông mua theo tem phiếu phân phối ra mời. Ông hỏi về tình hình an ninh trật tự của địa phương, công tác quản lý địa bàn rồi ông kể về những tháng ngày của quá khứ chiến tranh đầy khốc liệt...

Cuộc đời ông đã đi suốt hai cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông bắt đầu hoạt động cách mạng tại địa phương, bí mật làm công tác giao liên, vận chuyển tài liệu, thư từ, nuôi giấu cán bộ. Năm 1950 thoát ly, gia nhập lực lượng CANDVT tỉnh Thanh Hóa. Năm 1966 với cấp hàm thượng úy, ông được giao chức Đồn trưởng CANDVT số 48 Thanh Hóa; đến đầu năm 1967 ông cùng với hơn 200 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) được Bộ Công an điều động vào chi viện cho chiến trường Khu 5 rồi được cử tham gia lãnh đạo Ban An ninh (AN) hai huyện Trà My, Tiên Phước.

Tuy những ngày đầu trên địa bàn chiến lược vô cùng ác liệt nhưng ông đã tổ chức lượng lượng an ninh phối hợp với Huyện đội tấn công quận lỵ Trà My, tiêu diệt tại chỗ 15 tên tề ngụy ác ôn, bắt sống 7 tên khác đưa về căn cứ đấu tranh khai thác.

Cuối năm 1967 ông được Ban An ninh Khu 5 giao chức Trưởng ban B8 trực thuộc, căn cứ đóng tại các xã miền núi Lộc Thành, Lộc Sơn, huyện Đại Lộc. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã chỉ đạo đơn vị đánh hơn 20 trận trên khắp địa bàn tỉnh, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 330 tên địch. Năm 1968, ông được lãnh đạo Ban An ninh Khu 5 cử giữ chức Phó ban An ninh đặc khu Quảng Đà. Ngày 22-7-1974, ông trực tiếp chỉ huy Đại đội C114 phối hợp với Sư đoàn bộ đội chủ lực tấn công Chi khu Thượng Đức, một căn cứ mạnh của địch ở phía tây Đại Lộc. Cuộc chiến đấu dai dẳng đến ngày 7-8 mới đập nát được cứ điểm này. Riêng lực lượng An ninh đặc khu Quảng Đà tiêu diệt 50 tên, bắt sống 169 tù binh, thu giữ 2,8 tấn tài liệu.

Bên cạnh đó, ông còn phải tiếp nhận 325 tù binh do bộ đội bắt đưa về trại giam trong núi rừng cải tạo. Ngày 28-3-1975, ông cùng với lãnh đạo Ban chỉ huy lực lượng an ninh cùng với quân dân tiến vào Đà Nẵng. Đến trưa ngày 29-3, lực lượng an ninh đã chiếm giữa được các cơ quan đầu não của địch như Nha Cảnh sát Vùng I chiến thuật, Trụ sở Quốc Dân Đảng, Tòa Thị chính, Trại thẩm vấn Thanh Bình, Ty Cảnh sát quốc gia, trụ sở CIA, trụ sở Tổng Lãnh sự quán Mỹ, Đài Phát thanh…

Sau ngày giải phóng Quảng Nam-Đà Nẵng, ông là người đầu tiên chỉ huy lực lượng CANDVT của tỉnh và  trong thời gian này, tình hình chính trị có nhiều diễn biến đáng lo ngại. Một số đối tượng móc nối với bên ngoài nhen nhóm các tổ chức chính trị đối lập, an ninh vùng biên hết sức phức tạp, song lực lượng CANDVT triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, xã hội, từng bước ổn định tình hình cửa khẩu, đường biên.

Trong suốt quá trình tham gia cách mạng và phục vụ trong ngành công an, ông luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu, mẫu mực trong lối sống, chăm lo, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, luôn gần gũi, hòa mình với nhân dân, sống thanh cao, cần kiệm. Khi về hưu, sức đã yếu nhưng ông vẫn tham gia rất tích cực các phong trào của phố phường, năng nổ trong các hoạt động xã hội, được nhiều người dân yêu mến, nể trọng.

Còn nhớ năm 2010, tôi được giao nhiệm vụ viết báo cáo thành tích đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Hoàng Văn Lai, nguyên Trưởng ban An ninh Đặc khu Quảng Đà. Sau khi hoàn thành báo cáo, tôi mang xuống nhà trình ông ký xác nhận. Ông xem rồi bảo: “Cậu viết thành tích cho anh Lai chính xác đấy. Anh ấy rất xứng đáng anh hùng”. Dứt lời, ông đặt bút ký ngay vào bản báo cáo. Tôi biết ông nói đúng, bởi trong thời kỳ đó ông là người giúp việc đắc lực cho ông Lai và tôi chờ đợi ở ông với một ý nghĩ khác nhưng ông lại không nói gì về cá nhân mình. Và ngày 10-8-2015, Chủ tịch nước ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông.  

Bây giờ người con của quê hương sông Mã, Hàm Rồng gần như suốt cả cuộc đời gắn bó máu thịt với xứ Quảng yêu thương, với Đà thành tươi đẹp, cánh chim đầu đàn của lực lượng CANDVT Quảng Nam-Đà Nẵng đã cưỡi hạc đi xa. Xin cầu mong vong linh ông luôn thanh thản yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng!

THÁI MỸ

.