Chính trị - Xã hội

Tiến cử công tâm, khách quan, công bằng

07:46, 20/02/2017 (GMT+7)

Sau khi Báo Đà Nẵng ngày 13-2 đăng bài “Tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi: Đánh giá, lựa chọn đúng đối tượng tiến cử”, nhiều ý kiến dư luận đồng thuận với Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo” do Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành. Trong đó, đa phần đều cho rằng, việc tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi cần được thực hiện một cách công minh, dân chủ, đúng nguyên tắc.

* Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh:

Cú hích mạnh mẽ về nguồn nhân lực

Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ của Ban Thường vụ Thành ủy vừa ban hành là một chủ trương đúng đắn và kịp thời, thể hiện tầm nhìn về lâu dài của lãnh đạo thành phố trong công tác cán bộ, nhất là khi Đà Nẵng đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bản thân tôi rất ủng hộ chủ trương này. Nếu thành phố triển khai thành công thì đây sẽ là cú hích mạnh mẽ về nguồn nhân lực, tạo luồng sinh khí mới trong công tác cán bộ ở địa phương.

Theo tôi, công tác tạo nguồn cán bộ trẻ dưới 35 tuổi phải bám sát vào các tiêu chí đã quy định rõ trong đề án, quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch, thống nhất ngay từ đầu trong toàn bộ hệ thống chính trị thì chủ trương mới đem lại hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tránh triệt để tình trạng đề bạt người thân quen hoặc gửi gắm.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất đồng tình khi đề án nêu rõ: “đưa ra khỏi đề án những cán bộ không có triển vọng phát triển, thiếu tinh thần cầu tiến hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ thử thách được giao” nhằm tránh tình trạng ỷ lại, thiếu động lực phát triển; những ai rèn luyện tốt thì tiếp tục tạo điều kiện phát triển, ai không tiến bộ thì sẽ đào thải.

Ngoài ra, việc động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu để có vị trí cho cán bộ trẻ rèn luyện, thử thách cần phải thấu tình, đạt lý; thành phố nên tham khảo các tiêu chí, quy định của Trung ương cũng như học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành khác nhằm xây dựng những chính sách, chế tài hợp lý.

Nói như vậy không có nghĩa ai lớn tuổi cũng động viên về hưu rồi bổ nhiệm đồng loạt các cán bộ trẻ dưới 35 tuổi vào các vị trí lãnh đạo mà phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng đơn vị vì bản lĩnh, kinh nghiệm chuyên môn của những cán bộ trẻ chưa chắc đã hình thành ngay và dễ dàng có được.

* Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng:

Cần được lựa chọn công minh, đúng nguyên tắc

Nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng là phải hình thành một đội ngũ cán bộ nhiều độ tuổi nhằm phát huy ưu thế của từng thế hệ cán bộ, làm cho cái mới mẻ, trẻ trung và cái già dặn, chín chắn có điều kiện bổ sung cho nhau.

Có một số cán bộ lớn tuổi chỉ hơn cán bộ trẻ tuổi ở chỗ nhiều tuổi hơn, nhưng cũng có không ít cán bộ lớn tuổi không chỉ nhiều tuổi hơn cán bộ trẻ tuổi mà còn hơn hẳn ở sự điềm tĩnh chính trị, ở kinh nghiệm xử lý tình huống bất trắc, ở khả năng giao tiếp lịch lãm...

Cho nên chỉ những ai không đủ sức đảm đương nhiệm vụ - bất kể ở lứa tuổi nào chứ không chỉ lớn tuổi - mới cần có chính sách khuyến khích, động viên họ “nhường ghế” cho cán bộ trẻ, đúng hơn là “nhường ghế” cho người có năng lực đảm đương nhiệm vụ tốt hơn.

Không nên ngộ nhận rằng được tiến cử là đương nhiên được tiến chức. Đề án quy định rất rõ người được tiến cử còn phải trải qua cả một quá trình rèn luyện, thử thách và sàng lọc sau khi được tiến cử. Những người được tiến cử cần được lựa chọn một cách công minh, đúng nguyên tắc “vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc”.

Ngoài ra, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh việc thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý một cách thực sự nghiêm minh, và trong trường hợp ấy, những người được tiến cử chỉ có ưu thế so với các ứng viên khác ở chỗ đã có điều kiện rèn luyện, thử thách nhiều hơn trong thực tiễn công tác.

* Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Công Ngữ:

Nên mở rộng đối tượng đến công chức trẻ có triển vọng

Tôi thấy đối tượng của đề án tiến cử cán bộ trẻ dưới 35 tuổi hơi bó hẹp. Tính ra số lượng cán bộ trẻ dưới 35 tuổi như quy định của đề án số lượng không nhiều. Nên chăng mở rộng đối tượng tham gia đề án đến các công chức trẻ có triển vọng phát triển.

Như vậy, trong quá trình giao việc để thử thách, đề án sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn những người có kết quả phấn đấu tốt để bổ sung vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo cao hơn. Về tiêu chí đối tượng quy định tại đề án nghiêng nhiều về “phần cứng” bằng cấp, cần bổ sung thêm yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực điều hành, quản lý thực sự đã được chứng minh tại nơi công tác.

Thành tích tiêu biểu cũng hơi chung chung. Ví dụ, cán bộ đó có thành tích trong hoạt động Đoàn Thanh niên được khen thưởng, vậy có được coi đây là thành tích tiêu biểu không?

Nội dung có cơ chế, chính sách khuyến khích người lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi cần xác định cụ thể. Người nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách của Nhà nước thường còn 2 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Nếu trưởng phòng mới 45 đến 50 tuổi thì không thể nghỉ hưu trước để nhường vị trí cho người trẻ hơn.

Theo tôi, cần chú trọng đánh giá kết quả làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nếu nhiều năm liền anh chỉ bình bình không tạo được đột phá gì thì cho dù lúc đó anh mới 30 tuổi cũng phải chuyển công tác khác, không đợi để cán bộ đó lớn tuổi mới yêu cầu nhường ghế cho cán bộ trẻ.

* Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường:

Tạo cơ hội để người trẻ phấn đấu hết mình

Tôi cho rằng Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng tiến cử cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo, là một chủ trương mới mang tính đón đầu trong công tác cán bộ. Đây rõ ràng là một giải pháp đột phá để lựa chọn người đủ đức và tài để cống hiến cho sự phát triển của thành phố.

Có thể thấy, thời gian qua thành phố đã đạt những kết quả rất nổi bật trong lựa chọn người xứng đáng với vị trí và yêu cầu của công việc thông qua việc thi tuyển chức danh lãnh đạo ở các trường học và một số cơ quan, đơn vị... Những người đã trúng tuyển cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Theo tôi, việc tiến cử người dưới 35 tuổi vào vị trí lãnh đạo cần phải được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan để có sự theo dõi, giám sát và đôn đốc kịp thời. Thông qua tiến cử sẽ tạo cơ hội công bằng cho những người trẻ dưới 35 tuổi phát huy năng lực, sở trường; trau dồi và trang bị kiến thức cùng những phẩm chất, tố chất cần có của một người giữ vai trò quản lý, lãnh đạo, không ngại khó, ngại khổ...

Có như thế mới phát huy hiệu quả thực sự của đề án. Nếu đề án đi vào thực tiễn, tôi tin tưởng trong khoảng 10 năm nữa, thành phố sẽ đào tạo một thế hệ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đủ sức để gánh trọng trách phát triển thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

S. TRUNG - Q. KHẢI - V. DŨNG (ghi)

.