Chính trị - Xã hội

Gia tăng nhiễm HIV trong quan hệ đồng giới

14:33, 31/03/2017 (GMT+7)

Tại Đà Nẵng, trong số 157 trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện trong năm 2016, nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) nhiễm HIV mới tăng 12 trường hợp, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng với những tiết mục truyền thông phòng chống HIV. 	           Ảnh: Trần Tân
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐH Đà Nẵng với những tiết mục truyền thông phòng chống HIV. Ảnh: Trần Tân

L.T.N (21 tuổi), đang là sinh viên một trường đại học tại Đà Nẵng. Vừa qua, trong lúc đi thử máu để hiến máu tình nguyện, N. chới với khi kết quả dương tính với HIV. Là người đồng tính, trong những ngày xa nhà học đại học tại Đà Nẵng, N. yêu một bạn nam gần xóm trọ. Có ai ngờ, N. đã bị lây nhiễm HIV từ người bạn này lúc nào không hay. Đến khi biết được thì đã quá muộn.

Còn với N.H (33 tuổi, ở quận Thanh Khê, làm nghề tài xế xe tải), chỉ biết mình bị nhiễm HIV trong một lần nhập viện vì tai nạn. H. chia sẻ, anh có một vài bạn tình và có thể lây nhiễm từ những lần quan hệ không dùng biện pháp phòng ngừa nào. Giờ anh H. chỉ lo không biết có lây nhiễm cho vợ hay chưa và chỉ cầu mong vợ chưa bị nhiễm HIV.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, trong năm qua, thành phố phát hiện 157 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong đó, số người bị lây nhiễm qua đường tình dục chiếm 98,7% và nam giới chiếm số đông với 72,5%. Điều đáng chú ý là nhóm MSM nhiễm HIV mới tăng cao trong năm 2016 với 12 trường hợp. Ở Đà Nẵng, nói đến MSM, nhiều người vẫn còn e ngại và chưa hiểu hết, cho rằng đó là một thứ bệnh tật. Bởi vậy, nhóm MSM đã mở một vài quán cà-phê để cùng tụ họp, chia sẻ những nỗi niềm, số phận. Tuy nhiên, hoạt động của họ chủ yếu tự phát và cần nhiều hơn những sự hỗ trợ, giúp đỡ.

Bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống HIV trong giới trẻ để cung cấp kiến thức, cũng như giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV. Trung tâm đã tổ chức 10 buổi văn nghệ, hội thi thu hút hàng ngàn đoàn viên, sinh viên tham gia. Ngoài ra, để giảm thiểu việc lây nhiễm HIV, thành phố còn đẩy mạnh công tác dự phòng với chương trình 100% bao cao su (BCS) bao phủ khắp các địa phương với hàng trăm ngàn BCS được cấp miễn phí và tiếp thị xã hội BCS đến người dân. Ngoài ra, để nâng cao kiến thức cho người dân về phòng chống HIV, trung tâm đã tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe, tập huấn… tại cộng đồng khu dân cư, đồng thời đẩy mạnh tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện.

“Chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các giải pháp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử để người nhiễm HIV không giấu bệnh, sớm tiếp cận điều trị ARV cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM lại có xu hướng gia tăng. Điều này có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nếu không có những biện pháp hữu hiệu”, bác sĩ Đào nói. Bác sĩ Đào cho biết thêm, Đà Nẵng hiện đang thực hiện mục tiêu 90-90-90, nghĩa là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp. Trong đó, nhóm MSM cũng nằm trong các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu này.

KIM NGÂN

.