Chính trị - Xã hội

Mỏ đá Phước Tường nổ mìn, nứt nhà dân

10:04, 24/03/2017 (GMT+7)

ĐNĐT - Tối 21-3, hàng chục người dân ở tổ 25B, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ kéo ra chặn xe tải chở đá, không cho xe ra vào mỏ đá Phước Tường. 99 hộ dân ở 6 tổ dân phố xung quanh mỏ đá này đã nhiều lần phản ánh bị nứt nhà do nổ mìn và kiến nghị có các biện pháp hỗ trợ, khắc phục.

Mỏ đá Phước Tường nổ mìn để khai thác đá phục vụ thi công các công trình đường bộ.
Mỏ đá Phước Tường nổ mìn để khai thác đá phục vụ thi công các công trình đường bộ.

Sáng 22-3, phóng viên Báo Đà Nẵng khảo sát một số căn nhà bị nứt ở tổ 25B, 27A (phường Hòa Phát) và được người dân cho biết nguyên nhân do mỏ đá Phước Tường nổ mìn. Tình trạng nứt nhà nặng nề nhất là khu vực tổ 25B, cách khu vực nổ mìn của mỏ đá trong bán kính 300m.

Đặc biệt, tường nhà bà Nguyễn Thị Hiền (tổ 25B) có một vết nứt rộng 1,5cm, dài 1,5m. Tại nhà bà Phạm Thị Trang (tổ 25B), tường và trần nhà đúc bê-tông cốt thép có nhiều vết nứt do ngoại lực tác động. Đặc biệt, tại nền nhà tầng 2, do nhà rung lắc có hướng phức tạp sau mỗi lần nổ mìn, làm các viên gạch men bong, nứt nẻ lên vì ken mạnh vào nhau.

“Mỗi lúc nổ mìn, cả nhà rung lắc, cửa xô mạnh. Nghe nói mỏ đá đang chuẩn bị gia tăng công suất khai thác để đáp ứng cho các công trình trọng điểm nên người dân rất lo lắng”, bà Phạm Thị Trang kể.

Ông Đỗ Kim Ngọc (tổ 27A, phường Hòa Phát) cho biết: “Nhà tôi cách mỏ đá 300m nhưng mỗi lần nổ mìn thì nhà cửa rung lắc. Tường nhà, trần nhà đều bị nứt nẻ. Người dân ở khu vực này đã phản ánh nhiều lần nhưng vẫn chưa có giải pháp hỗ trợ, khắc phục hư hỏng”.

Ngoài ra, người dân cũng bức xúc vì xe tải, xe ben vào ra mỏ đá gây mất an toàn giao thông và bụi mù mịt. “Cứ vào sáng sớm, xe đậu đầy đường, có khi nối đuôi nhau đỗ dài nửa cây số và chặn hết các lối ra vào, làm cản trở người dân đi lại và cứ nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông vì tầm nhìn bị xe che chắn hết”, bà Nguyễn Thị Hiền nói.

Theo UBND quận Cẩm Lệ, quận đã thành lập đoàn kiểm tra, rà soát hiện trạng các căn nhà bị nứt ở xung quanh mỏ đá Phước Tường (phường Hòa Phát). Qua đó, xác định có 99 nhà dân bị nứt ở 6 tổ dân phố gồm: tổ 25A (25 nhà), 25B (23 nhà), 26A (12 nhà), 26B (20 nhà), 27A (12 nhà) và 27B (7 nhà).

Về nguyên nhân, theo ý kiến của người dân, từ sau Tết Bính Thân (2016) đến nay, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng (chủ mỏ đá Phước Tường) hoạt động khai thác đá ở tầng mặt đất, làm rung lắc mạnh sau khi nổ mìn.

UBND quận Cẩm Lệ đã có văn bản đề nghị UBND thành phố yêu cầu Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng hỗ trợ 99 hộ dân bị nứt nhà hoặc chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, xác định nguyên nhân gây nứt nhà dân, mức độ thiệt hại để công ty có giải pháp và chính sách hỗ trợ đền bù theo quy định.

Một vết nứt trên tường nhà của bà Nguyễn Thị Hiền (tổ 25B, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) và được cho là do mỏ đá Phước Tường nổ mìn.
Một vết nứt trên tường nhà của bà Nguyễn Thị Hiền (tổ 25B, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) và được cho là do mỏ đá Phước Tường nổ mìn.

Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm việc thực hiện các nội dung trong bản đánh giá tác động môi trường của công ty đối với hoạt động tại mỏ đá Phước Tường. Nếu công ty không có các giải pháp giải quyết triệt để tình trạng trên thì đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của công ty. Đề nghị Sở Công thương kiểm ra đột xuất quy trình nổ mìn, lượng thuốc nổ mìn của công ty nhằm hạn chế các dư chấn ảnh hưởng đến kết cấu công trình nhà dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng, thời gian qua, việc nổ mìn khai thác đá luôn tuân thủ theo giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được cấp. “Hầu hết chỉ thực hiện nổ mìn vào buổi trưa (từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 30), khi cần thiết mới nổ mìn từ 17 giờ đến 18 giờ. Đối với việc nổ mìn điện, chỉ nổ vi sai điện để tẩy mô chân tầng, cắt tầng với lượng thuốc nổ tối đa 70kg/bãi nổ và vi sai tối đa 17kg/lần.

Đối với nổ mìn vi sai điện, thuốc nổ đặt qua lỗ vi sai với số lượng từ 30-40kg/lỗ và lượng thuốc cho 1 bãi tối đa là 1,5 tấn. Trước đây, công ty đã triển khai đo chấn động nổ mìn tại tổ 25B (phường Hòa Phát), nhà gần khu vực nổ mìn nhất là nhà ông Phạm Đức Dinh với cự ly 260m. Chỉ số đo khi nổ vi sai điện đều nằm trong mức cho phép của QCVN 02:2008/BCT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ - PV)”, ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng khẳng định trong báo cáo.

Khẳng định chỉ số đo khi nổ vi sai điện đều nằm trong quy chuẩn cho phép đồng nghĩa với việc phủ nhận nguyên nhân làm nứt 99 căn nhà xung quanh mỏ đá Phước Tường là do nổ mìn. Trong khi đó, theo ghi nhận bằng mắt thường, hoàn toàn có thể loại bỏ nguyên nhân xuất hiện các vết nứt trên tường nhà, trần nhà, nhà do lún, đập phá và sự co ngót, giãn nở không đều của vật liệu xây dựng. Nguyên nhân gây nứt 99 nhà dân do nổ mìn hay các do các nguyên nhân khác, cần sớm có sự kiểm tra, giải thích cụ thể của các đơn vị chức năng.

Dân chặn xe vì chậm trả đường dân sinh

Tại cuộc họp giải quyết ô nhiễm môi trường đường vào mỏ đá thôn Phước Thuận (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vào ngày 18-8-2016, lãnh đạo thành phố chỉ đạo đến cuối tháng 10-2016, phải đóng cửa đường dân sinh thôn Phước Thuận. Thế nhưng, người dân hiện vẫn sống chung với bụi và nguy cơ tai nạn giao thông nên họ bức xúc ra đường chặn xe tải, xe ben chở đất đá đi qua tuyến đường này.

Người dân thôn Phước Thuận chặn xe chiều 21-3.
Người dân thôn Phước Thuận chặn xe chiều 21-3.

Trong những ngày gần đây, hầu như ngày nào người dân thôn Phước Thuận cũng chặn xe tải, xe ben chở đất, đá chạy qua đường dân sinh. Riêng trong ngày 21-3, người dân 3 lần chặn xe của các doanh nghiệp. Theo ghi nhận của chúng tôi, lúc 14 giờ 30 ngày 21-3, một số người dân thôn Phước Thuận đưa xe rùa, xẻng, bảng hiệu… ra giữa đường phản đối xe tải, xe ben chạy qua. Ông Huỳnh Ngọc Hội, một người dân thôn Phước Thuận cho biết, xe nối đuôi nhau chạy suốt ngày nhưng không tưới nước nên dẫn đến bụi. “Chúng tôi chịu cảnh này nhiều năm. Tình trạng này cứ diễn ra nên chúng tôi buộc phải chặn xe”, ông Hội nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận cho biết, sau Tết đến nay, lưu lượng xe tải, xe ben chạy nhiều. Người dân cho rằng, theo thông tin từ thành phố, cuối tháng 10-2016 đóng đường dân sinh nhưng đến nay không đóng. Do đó, một số người thường xuyên chặn xe, gây mất an ninh trật tự, có những ngày chặn xe từ 2-3 lần. Toàn thôn có khoảng 60 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp ô nhiễm bụi do xe tải, xe ben chở đất gây ra. Trong khi đó, nhiều tài xế xe tải, xe ben cho hay, ngày nào cũng bị chặn xe nên công việc của họ gặp nhiều khó khăn.

Bụi bay mịt mù khi xe ben chạy qua tại thôn Phước Thuận.
Bụi bay mịt mù khi xe ben chạy qua tại thôn Phước Thuận.

Không dừng lại ở đó, phía sau thôn Phước Thuận có gần 10 người dân chặn xe của doanh nghiệp tư nhân H.S. Những người dân nơi đây cho biết, họ là dân thôn Hòa Khương Tây (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang), được cấp đất ở thôn Phước Thuận để phát triển nông nghiệp. Nhưng hiện nay, ngoài một phần đất được lấy làm đường thì doanh nghiệp H.S lấn đất mà chưa bồi thường cho dân. Ở khu vực này, mỗi người dân có khoảng 500-700m2 đất nông nghiệp. “Mấy ngày nay, chúng tôi liên tục ra đây đứng đón xe. Chúng tôi đến gặp giám đốc doanh nghiệp tư nhân H.S nhưng họ tránh mặt. Chúng tôi mong muốn được giải quyết đền bù thỏa đáng”, một người dân bày tỏ bức xúc.

Lý giải về nguyên nhân làm đường chậm trễ so với chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, ông Đặng Thương, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, cuối năm 2016, do trời mưa liên tục nên việc triển khai thi công làm đường chậm. Bên cạnh đó, do một số vấn đề còn vướng mắc nên phải điều chỉnh lại quy hoạch tuyến. Tuy nhiên, theo ông Thương, đường công vụ đến nay đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn vướng mắc tại 2 doanh nghiệp ở thôn Phước Thuận. Trong thời gian sớm nhất sẽ tiến hành hoàn thiện, đưa vào nghiệm thu và sử dụng để trả lại đường dân sinh cho dân.

Dẫu vậy, ông Đặng Thương cho hay, làm đường công vụ hết khoảng 7 tỷ đồng, nhưng hơn 10 doanh nghiệp khai thác tại thôn Phước Thuận chỉ mới đóng 700 triệu đồng. Ông Thương khẳng định, nếu trong thời gian đến, các doanh nghiệp không chịu đóng kinh phí, huyện sẽ chỉ đạo không cho các phương tiện vận chuyển nữa.

NGỌC PHÚ

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.