Chính trị - Xã hội
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Tìm về cội nguồn lịch sử, văn hóa
“Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021. Đến nay, hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ nữ toàn thành phố.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chính Gián (quận Thanh Khê) nghe thuyết minh, giới thiệu về di tích Nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê. |
Nhân dịp kỷ niệm 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ và 1.977 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các cấp Hội Phụ nữ thành phố có nhiều hoạt động, trong đó đẩy mạnh tổ chức các chuyến đi tìm về di tích lịch sử, văn hóa của thành phố.
Các địa điểm được chọn là các di tích được xếp hạng (cấp quốc gia, cấp thành phố), những di tích gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử của Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt các di tích gắn liền những nhân vật lịch sử là phụ nữ như: Nhà Mẹ Nhu (quận Thanh Khê); Khu tưởng niệm Nhà yêu nước Thái Thị Bôi (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ); Đình làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang); Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), Khu căn cứ cách mạng K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn)...
Tại đây, các chị được nghe thuyết minh về lịch sử, khí phách của các anh hùng nghĩa sĩ, về cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, về các bậc tiền nhân có công khai hoang, lập ấp của các làng...
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN phường Chính Gián (quận Thanh Khê) chia sẻ, tuần qua, Hội tổ chức cho 30 hội viên đi thăm 2 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp thành phố của quận là địa điểm Nhà Mẹ Nhu và 7 Dũng sĩ Thanh Khê và Nhà thờ tập linh nghề cá làng Thanh Khê. Với hoạt động này, chị em có cơ hội hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa địa phương.
“Mỗi địa điểm chúng tôi đều được thuyết minh, hướng dẫn thông qua những hiện vật, hình ảnh cụ thể. Tôi cho rằng đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với phụ nữ thành phố, giúp nâng cao kiến thức, phục vụ công việc và khuyên bảo con cháu về giá trị truyền thống của cha ông”, chị Thủy nói.
Không chỉ vậy, mỗi hành trình về các “địa chỉ đỏ”, Hội Phụ nữ các cấp còn nhận ra trách nhiệm của bản thân đối với di tích, lịch sử văn hóa địa phương. Trong hành trình tri ân tháng 3 này, Hội LHPN quận Sơn Trà phát động công trình “Tôn tạo di tích lịch sử đình làng Mân Quang” (thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Theo đó, Hội vận động hơn 19.000 hội viên trên toàn quận đóng góp kinh phí để thời gian tới Hội phối hợp các đơn vị tiến hành khảo sát và tôn tạo một số vị trí của đình làng trong điều kiện cho phép.
“Đình làng Mân Quang được xây dựng vào cuối thế kỷ 15, thờ thần hoàng bổn xứ, các vị tiền nhân của làng; trong đó có vong linh những nghĩa quân và liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Trong quá trình tham quan, chúng tôi nhận thấy có một vài vị trí của đình làng xuống cấp nên vận động hội viên cùng chung tay với chính quyền địa phương bảo tồn di tích. Điều này không chỉ giúp chị em nhận thức đúng và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước mà còn góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn quận đối với các thiết thế văn hóa”, chị Trần Thị Thuận, Chủ tịch Hội LHPN quận Sơn Trà cho biết.
Theo Hội LHPN thành phố, “Tìm về di tích lịch sử, văn hóa thành phố Đà Nẵng” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các cấp Hội Phụ nữ trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Năm 2017, Hội LHPN cấp xã/phường và Chi hội tổ chức các đoàn cho hội viên, phụ nữ đi thăm các di tích lịch sử, văn hóa gần nhất (ít nhất, mỗi chi hội tổ chức cho hội viên đến thăm 2 - 3 di tích cấp quốc gia và cấp thành phố); cán bộ Hội từ thành phố đến quận, huyện tổ chức các đoàn đi thăm di tích lịch sử, văn hóa (mỗi đơn vị đến 3/11 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 5/43 di tích được xếp hạng cấp thành phố).
Sau khi đi thăm và tìm hiểu di tích, mỗi đơn vị triển khai viết bài thu hoạch, chụp ảnh hoặc quay video clip về các di tích đó; tổ chức giao lưu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử tại các địa điểm đến thăm để ôn lại truyền thống đấu tranh, giải phóng dân tộc. Ngoài ra, Hội Phụ nữ tổ chức sự kiện truyền thông tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người Đà Nẵng...
Bài và ảnh: HÀ THU