Chính trị - Xã hội
Bao giờ thị trường lao động hết... vênh ?
Sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng được xem là thị trường lao động lớn của cả nước với trên 17.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Tuy nhiên thị trường lao động của thành phố đang bị “vênh” khá lớn khi nhiều DN cần lao động nhưng tuyển không được người; ngược lại, nhiều lao động sau đào tạo nghề lại không tìm được việc làm.
Lực lượng xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu là người lao động từ các tỉnh khác đến. |
Chưa tính hệ thống các trường đại học trên địa bàn thành phố mỗi năm đào tạo ra thị trường lao động hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, riêng 56 cơ sở dạy nghề (bao gồm 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp nghề, 14 trung tâm dạy nghề và 32 cơ sở dạy nghề) có năng lực tuyển sinh trên 50.000 chỉ tiêu với tổng cộng 163 loại ngành, nghề khác nhau đã là nguồn cung lao động dồi dào cho thị trường Đà Nẵng và miền Trung. Tính trung bình khoảng 5 năm gần đây, nguồn cung cấp lao động của Đà Nẵng tăng 4 - 4,2%/năm, cao hơn khá nhiều mặt bằng chung của cả nước ở mức 3,2 - 3,5%/năm.
Đặc biệt trong vòng 10 năm gần đây, thành phố đầu tư khá nhiều kinh phí, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ người dân ở vùng quy hoạch chỉnh trang đô thị chuyển đổi ngành nghề. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2015, thành phố đã đào tạo miễn phí cho gần 7.000 lao động đặc thù, lao động hệ ngắn hạn và gần 16.000 lượt bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho các đối tượng trong diện chính sách, giải tỏa đền bù. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là địa phương được rất nhiều người lao động phổ thông lẫn lao động đã qua đào tạo từ khắp nơi đổ về tìm kiếm việc làm, qua đó tạo nên một nguồn cung khá dồi dào cho thị trường lao động.
Mặc dù vậy, các DN trên địa bàn thành phố vẫn thiếu lao động được đào tạo, nhất là thời điểm sau Tết âm lịch hằng năm. Sau Tết Đinh Dậu 2017, thống kê cho thấy, ở 6 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố “bốc hơi” gần 4.000 công nhân. Hàng ngàn công nhân bỏ việc, DN phải tuyển thêm gần chục ngàn người để bảo đảm kỳ giao hàng quý 2 và quý 3-2017, tuy nhiên, dù nhân lực lao động nhiều nhưng DN cũng không dễ tuyển được. Nguyên nhân khó tuyển đủ công nhân vẫn xoay quanh vấn đề mức lương không cao khiến người lao động “đứng núi này trông núi nọ”.
Sự thiếu hụt lao động phổ thông nhiều nhất phải kể đến lĩnh vực xây dựng và du lịch. Thời gian qua, làm việc tại các công trình xây dựng lớn trên địa bàn, chủ yếu là lực lượng lao động từ địa phương khác đến. Còn nhớ vài năm trước, trên địa bàn thành phố cùng lúc có 3 công trình giao thông lớn là cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và sân bay Đà Nẵng thu hút khoảng 1.500 công nhân. Thế nhưng gần như toàn bộ công nhân trên các công trình này chủ yếu đến từ các tỉnh bắc miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa... Theo giải thích của các đơn vị thi công, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đòi hỏi tính kỷ luật cao nên lao động địa phương không mặn mà.
Trên lĩnh vực du lịch, khi Đà Nẵng “nổi lên” như một địa chỉ hấp dẫn thì nhu cầu tuyển dụng lao động cũng tăng cao. Thế nhưng thông tin từ các DN du lịch, việc tuyển dụng lao động có tay nghề có thể làm việc được ngay gần như không thể. Theo chia sẻ của trưởng phòng nhân sự một khu nghỉ mát 5 sao trên địa bàn thành phố, hiện nay đơn vị tuyển khoảng 100 lao động ở các vị trí buồng phòng, lễ tân đến trợ lý giám đốc, tuy nhiên tất cả số lao động này đều phải đưa đi Phú Quốc đào tạo lại theo dạng “vừa học, vừa làm” khoảng một năm mới có thể làm được việc. Riêng vị trí trợ lý giám đốc có đến 15 ứng viên, trong đó có 14 người ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhưng cuối cùng ứng viên được tuyển dụng là một người đến từ TP. Hồ Chí Minh.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, dù công tác đào tạo nghề của thành phố thời gian qua có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Một trong những hạn chế lớn nhất chính là công tác phối hợp đào tạo giữa nhà trường và DN chưa tốt, giáo trình đào tạo chưa phù hợp, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng nhu cầu.
Tại buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH về tình hình đào tạo nghề trên địa bàn thành phố vào cuối năm 2016, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, tồn tại lớn nhất của công tác dạy nghề là nhà trường mới dạy cái mình có, chưa dạy cái xã hội cần. Vì vậy thời gian đến, rất cần đẩy mạnh công tác điều tra khảo sát chi tiết, cụ thể về nhu cầu tuyển dụng của DN, cũng như định hướng được xã hội cần nghề gì, trên cơ sở đó mới xây dựng chương trình đào tạo phù hợp.
Bài và ảnh: THANH VÂN