Chính trị - Xã hội
Hải Châu khẳng định vai trò "đầu tàu"
42 năm sau ngày giải phóng Đà Nẵng (1975-2017), dẫu trải qua bao khó khăn, thách thức, song cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hải Châu luôn biết khai thác và phát huy lợi thế quận trung tâm, giành những thành tựu vững chắc trên nhiều lĩnh vực, xứng đáng là địa phương dẫn đầu trong nhiều năm qua.
Một góc đô thị khang trang, văn minh, hiện đại bên sông Hàn của quận Hải Châu. |
Kinh tế phát triển nhanh
Sau giải phóng, đời sống nhân dân quận Nhất (quận Hải Châu từ năm 1997) đối mặt với rất nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ít có điều kiện phát triển, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp và thủy sản nhưng năng suất rất bấp bênh do sản xuất đánh bắt manh mún, thời tiết diễn biến bất thường. Năm 1986, đất nước bắt tay thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế-xã hội quận dần khởi sắc trên một số lĩnh vực như thương nghiệp, vận tải, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ...
Đời sống vật chất và tinh thần người dân tuy có khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Ở thời điểm năm 1997, có 4/13 phường của quận chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Sau khi thành phố đẩy mạnh chủ trương giải tỏa, đền bù, quy hoạch đối với từng quận, huyện, nhất là xây dựng hạ tầng đô thị, phát triển mạng lưới giao thông thì quận Hải Châu có nhiều điều kiện phát triển.
Với quy mô 13 phường, lại ở vị trí trung tâm Đà Nẵng, quận hình thành rõ nét đặc trưng của một đô thị trung tâm. Hạ tầng đô thị ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều khu dân cư mới, nhà cao tầng không ngừng vươn cao.
Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thu hút đầu tư trên địa bàn, nhất là đầu tư các công trình cao tầng, khách sạn, trung tâm thương mại, du lịch... tăng cao, trở thành nơi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn lựa chọn đặt trụ sở. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng và nông-lâm-thủy sản. Giai đoạn 2011-2015, GDP bình quân của quận Hải Châu tăng gần 13%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 4.450 USD/năm.
Các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp dân doanh tăng mạnh, chiếm gần 1/3 tổng số doanh nghiệp toàn thành phố. Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 1997-2017 tăng 11 lần, đến cuối năm 2016 đạt khoảng 900 tỷ đồng; phấn đấu năm 2017, quận lọt vào tốp thu ngân sách đạt 1.060 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh cho biết, thương mại là ngành phát triển nhanh nhất và khá toàn diện. Hàng loạt hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại theo chuỗi liên kết toàn thành phố và phạm vi toàn quốc đều có mặt và hoạt động trên những tuyến đường lớn của quận, góp phần tăng thu ngân sách địa phương. Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất dịch vụ chuyển biến rõ nét, tăng bình quân 15,5%/năm. Lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông phát triển rất nhanh và đồng bộ. Tổng mức luân chuyển hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 19%/năm. Sản xuất công nghiệp giữ sự phát triển ổn định, chủ yếu là nhóm ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống, may mặc.
Xây dựng đô thị trung tâm kiểu mẫu
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hải Châu Võ Văn Thương khẳng định, nhân tố quan trọng tạo nên thành tựu của quận Hải Châu suốt 42 năm qua đó là sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây và Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ngày nay. “Từ sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời định hướng phát triển đối với quận trung tâm nên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Quận ủy qua các thời kỳ đã phát huy truyền thống quận Anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ, chăm lo xây dựng đoàn kết thống nhất toàn dân, đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn phát triển”, ông Võ Văn Thương nhấn mạnh.
42 năm sau ngày giải phóng, vóc dáng đô thị Hải Châu không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Tuy vậy, Đảng bộ quận trăn trở và thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm còn tồn tại cần khắc phục như: kinh tế chưa phát triển ngang tầm với đô thị trung tâm, quy mô doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ. Ý thức thị dân của một bộ phận dân cư chưa theo kịp với tốc độ phát triển của đô thị. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp...
Chính vì vậy, thời gian đến, quận Hải Châu tiếp tục phát huy những cơ chế, chính sách vượt trội dành cho quận nêu trong Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển quận Hải Châu đến năm 2020 và những năm tiếp theo” để xây dựng và phát triển Hải Châu xứng đáng là đô thị văn minh, hiện đại. “Đảng bộ quận đang tập trung lãnh đạo hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm mang ý nghĩa chiến lược gồm: Lãnh đạo thu ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng/năm; tập trung thực hiện tốt chủ trương “Thành phố 4 an”, xây dựng quận môi trường và đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân.
Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét về hình ảnh, tầm vóc, khẳng định vai trò đầu tàu trong khối các quận, huyện - một đô thị trung tâm văn minh, hiện đại nhất của thành phố”, ông Võ Văn Thương cho biết.
Bài và ảnh: DIỆU MINH