Chính trị - Xã hội

Phận đời trên vỉa hè

15:17, 01/04/2017 (GMT+7)

Đằng sau những gánh hàng rong, tủ tạp hóa thu nhỏ, nép mình trong một vài mét vuông trên vỉa hè là số phận của hàng trăm con người. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng ở họ có chung nỗi vất vả khi phải luôn gồng mình bươn chải mưu sinh và thấp thỏm, lo âu về tương lai phía trước.

Chị Hồ Thị Hoàng Anh, bán cà-phê vỉa hè nuôi 4 con ăn học. 		              Ảnh: PHAN CHUNG
Chị Hồ Thị Hoàng Anh, bán cà-phê vỉa hè nuôi 4 con ăn học. Ảnh: PHAN CHUNG

Trong tháng 3, UBND quận Hải Châu bắt đầu chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè trên 16 tuyến đường trọng điểm. Triển khai theo phương thức cuốn chiếu, đến nay, 9 tuyến đường đã thực hiện xong, giao cho phường trực tiếp quản lý. Đằng sau chủ trương đúng đắn, quyết liệt của chính quyền các cấp là tâm tư, nguyện vọng của hàng trăm hộ gia đình.

Những vòng xe khó nhọc

Hai tuần nay, bà Nguyễn Thị Ước (62 tuổi, trú tổ 46, phường Thạch Thang, quận Hải Châu) phải ngược xuôi tìm việc làm thêm duy trì thu nhập. Căn nhà nằm sâu trong con hẻm chỉ rộng chừng 1m trên đường Nguyễn Du vắng bóng bà hơn. Hơn 30 năm bám vỉa hè kiếm sống, bà Ước chia sẻ, đây là thời điểm khó khăn nhất.

Từng bán ở ngã tư đường Trần Phú-Quang Trung, bà tiến dần về phía cầu Sông Hàn, rồi xuôi xuống bờ tây cầu Rồng. Những năm gần đây, việc buôn bán của bà phải chuyển địa điểm liên tục. Hai năm trước, được địa phương tạo điều kiện, bà về “định cư” ngay góc ngã tư Lê Lợi-Nguyễn Du.

6 giờ sáng, người ta đã thấy bà dọn hàng, mãi đến 23 giờ, khi khách lỡ đường cần một lít xăng lẻ, một bao thuốc, họ có thể tìm đến bà dưới ánh đèn đường. “Hai tuần nay, phường thông báo không được bán hàng rong nữa nên tôi phải dọn vào. Cấm bán nên tôi phải tìm việc khác để kiếm tiền duy trì cuộc sống”, bà Ước cho biết.

Chiều đến, bà Ước lại cùng chiếc xe đạp điện cũ kỹ, lang thang dọc các quán ăn, cà-phê, nhà hàng xin rửa chén bát thuê. Công việc không ổn định nên người ta chỉ thuê bà làm theo giờ. Quán bình dân trả 7.000 đồng mỗi giờ công, “sang trọng” hơn thì 8.000-9.000 đồng/giờ, cũng có nơi trả đến 10.000 đồng/giờ. Chứng đau lưng, nhức khớp của người già khiến bà làm việc khó nhọc, lắm lúc bị chủ mắng vì chậm chạp, trễ giờ.

Ông Huỳnh Văn Tân, chồng bà Ước cho biết thêm, cuộc đời của ông bà gắn liền với chiếc tủ tạp hóa dựng bên vỉa hè. Thế nên, dù biết việc lập lại trật tự đô thị, trật tự vỉa hè là chủ trương đúng nhưng nó thật sự khó khăn đối với những người như vợ chồng bà. Đồng lương hưu của người chiến sĩ giao liên năm xưa mà ông nhận hằng tháng hơn 1 triệu đồng, chỉ phụ được thêm tiền chợ hằng ngày, còn mọi chi phí sinh hoạt gia đình vẫn phải trông chờ vào chiếc tủ tạp hóa.

Giờ đây, sau khi đợi bà Ước đi rửa chén thuê về, khoảng 21 giờ hằng ngày, hai ông bà lại đẩy xe hàng rong ra đường. Vì cấm bán trên vỉa hè nên ông bà đẩy xe đi khắp phố. Chiếc tủ kính bán hàng rong được gắn 4 bánh xe mà ông Tân kể đến chỉ rộng chừng 0,4m, dài 1m, cao khoảng 1,2m nhưng được bày biện, sắp xếp không khác một quầy tạp hóa thu nhỏ.

“Cái tủ ngày xưa to gấp hai lần cái này, nhưng giờ tuổi cao rồi nên nó cứ nhỏ dần để còn đẩy nổi”, bà Ước nói. Khi đề cập việc cất luôn chiếc tủ, nghỉ bán hàng rong, cả ông và bà đều gạt phăng: Ngày nào còn sống là còn những vòng xe lăn bánh, dù giờ đây khó khăn gấp bội phần.

Bà Nguyễn Thị Em lo lắng về ngày mai.
Bà Nguyễn Thị Em lo lắng về ngày mai.

Không dám nghĩ ngày mai

Phường Thạch Thang là một trong những địa phương tập trung nhiều tuyến đường có số hộ bán hàng rong trên vỉa hè nhiều nhất. Chỉ tính riêng tuyến đường Quang Trung đã có đến 86 hộ kinh doanh vỉa hè, trong đó tập trung chủ yếu trước Bệnh viện Đà Nẵng.

Ánh mắt đầy lo âu và chớm lệ của chị Hồ Thị Hoàng Anh (43 tuổi, trú tổ 73, phường Thạch Thang) khi chị nói về việc buôn bán của mình. Hoàn cảnh khó khăn chị Anh đang đối mặt, cũng chính là tâm tư của lãnh đạo phường này từng thổ lộ xung quanh câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè. Hai năm trước, chồng chị Anh qua đời sau thời gian dài bạo bệnh, một mình chị nuôi 4 đứa con ăn học. Tháng trước, không kham nổi quá nhiều khoản chi phí, chị Anh đành cho con gái út - bé Bảo Ngọc Thùy Linh (4 tuổi) nghỉ học ở trường mầm non để ở nhà cho bà ngoại trông. Căn nhà 5 mẹ con đang tá túc chỉ rộng chừng 30m2, là nhà của mẹ chị - bà Nguyễn Thị Ngân, năm nay tuổi đã ngoài 70.

Sau khi phường ra quân lập lại trật tự vỉa hè, chị phải mang chiếc xe nước mía, tủ bán hàng đi gửi nhà người quen. “Quán” mới của chị giờ đây chính là... bờ tường của Bệnh viện Đà Nẵng. Bờ tường rộng khoảng… 20cm, tầm một gang tay được ngăn đôi bởi dãy hàng rào sắt có song thưa, phía ngoài chỉ đủ cho chị Anh dựng vài lốc sữa, mấy chai nước suối.

Khách hàng của chị là cánh tài xế bên trong bệnh viện đang chờ đưa đón bệnh nhân và người nhà. Hôm trước, chị xin bảo vệ bệnh viện nên được để vài chiếc ghế nhỏ phía trong sân, ngay sát bờ rào. Dọn hàng ra từ 5 giờ sáng đến 18 giờ nhưng thu nhập chỉ khoảng 50.000-70.000 đồng, đủ để 5 mẹ con đắp đổi qua ngày.

“Giờ phải chạy ăn từng bữa, được bữa nay lại lo bữa mai chứ thực lòng không dám nghĩ đến ngày nào đó khi không còn được bán ở chỗ này thì mấy mẹ con sẽ sống bằng cách nào”, chị Anh lo lắng. Điều kiện bán bị thu hẹp, chị Anh phải làm việc nhiều hơn ngày thường, bớt thời gian nghỉ ngơi. Đến bữa cơm, bà Ngân một tay bế cháu, tay kia xách lồng cơm ra cho chị. Lúc rảnh rỗi, bà giúp con ủ, pha cà-phê sẵn vào trong chai nhựa. Hôm nào may mắn đông khách, bà lại tất tả mang ra cho con, coi như có thêm chút niềm vui trong ngày.

Sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt của những người bán hàng rong vỉa hè không chỉ vì áp lực cơm áo mà còn ngày mai sẽ ra sao. Đều đặn suốt 32 năm nay, tủ tạp hóa của bà Nguyễn Thị Em (58 tuổi, trú tổ 26, phường Bình Hiên) luôn xuất hiện ở một góc nhỏ trên đường Trần Quốc Toản (phường Hải Châu 1). Mỗi buổi sáng thức giấc, ánh mắt bà Em lại hướng ra đường và chờ đợi.

Trong số hàng trăm khách vãng lai qua đường, người nào sẽ dừng chân ghé quán. Mấy hôm nay, thông tin lập lại trật tự vỉa hè càng làm bà thấp thỏm. “Đêm về cứ nghĩ ngợi không ngủ nổi, cả đời tui sống nhờ mấy chai nước, gói thuốc lá, bao kẹo trong tủ này, giờ nếu nghỉ bán, cất tủ thì thực lòng không biết tính sao”, bà chia sẻ. Nói rồi, bà kéo cánh tủ, mang ra một túi ni-lông đựng gần chục vỉ thuốc điều trị bệnh loãng xương, viêm khớp bà được cấp miễn phí trong một hoạt động thiện nguyện gần đây.

Theo ông Trương Thanh Dũng, Chánh Văn phòng UBND quận Hải Châu, sau chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè trên 16 tuyến đường trọng điểm, địa phương sẽ họp tổng kết, dự kiến vào giữa tháng 4 đến để đánh giá, rút kinh nghiệm. Trong đó, một nội dung hết sức quan trọng là tìm phương án hỗ trợ sinh kế cho những hộ bán hàng rong trên vỉa hè.

“Quận đang tiến hành rà soát lại tất cả số hộ kinh doanh vỉa hè tại các tuyến đường trên toàn quận chứ không riêng 16 tuyến này. Một trong những phương án chúng tôi đang cân nhắc và đề xuất với UBND thành phố đó là sử dụng 16 lô đất trống tại vị trí ngã ba một số tuyến đường để làm nơi kinh doanh, buôn bán cho những hộ có nguyện vọng”, ông Dũng cho biết. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang cũng đề nghị, nên triển khai các chính sách hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề đối với những hộ dân thực sự có nhu cầu, bởi đời sống họ rất khó khăn.

Dời địa điểm, hỗ trợ sinh kế

Đó là cách làm của phường Tân Chính (quận Thanh Khê) khi thực hiện chiến dịch ra quân lập lại trật tự vỉa hè. Sau khi triển khai đề án Phố chuyên doanh Lê Duẩn, 29 hộ dân buôn bán trên vỉa hè tuyến đường này buộc phải di dời, hoàn trả mặt bằng. Theo ông Nguyễn Trọng Trinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Chính, đây là những hộ sống trong các kiệt, hẻm trên địa bàn phường, đời sống còn nhiều khó khăn. Di dời nhưng vẫn bảo đảm công việc, ổn định đời sống là hết sức quan trọng. Từ năm 2016, lần lượt những hộ dân này được dời về khu vực vỉa hè đường Hải Phòng. Thông qua kêu gọi của chính quyền địa phương, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ 300 triệu đồng, giúp những hộ này mua sắm bàn, ghế, dù, bạt che... “Địa phương cũng tổ chức tập huấn cho các hộ về văn minh thương mại, yêu cầu mang tạp dề, trang phục bảo đảm vệ sinh, nguồn thực phẩm phải an toàn. Mặc dù buôn bán nhỏ và chỉ bán những món hàng bình dân như bún, bánh mì, ram cuốn cải, trà sữa nhưng quan điểm của phường là phải ổn định, có nền nếp, tuyệt đối không được vi phạm trật tự vỉa hè và gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau một năm hoạt động, các quán bình dân vỉa hè này bắt đầu thu hút khách ở các nơi khác tìm đến”, ông Trinh cho biết.

Vừa qua, trước đợt ra quân lập lại trật tự vỉa hè của quận Hải Châu, có 3 hộ dân buôn bán trên địa bàn phường Thạch Thang đã có đơn xin mặt bằng bán trên vỉa hè tuyến đường Hải Phòng và đã được phường Tân Chính đồng ý, tạo điều kiện.

PHAN CHUNG

.