Chính trị - Xã hội
Có việc làm nhờ "ăn theo" du lịch
Từng có thâm niên 20 năm làm điện, nước, nhưng cách đây 2 năm, anh Nguyễn Văn An ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà đã bỏ nghề và chuyển sang làm dịch vụ cho thuê xe máy. Anh An cho biết, cho thuê xe máy không vất vả như làm nghề điện, nước nên lớn tuổi như anh vẫn có thể làm được. Ban đầu chỉ vài chiếc xe “cà tàng”, đến nay anh đã có gần 50 chiếc. Ngoài cơ sở chính trên đường Nguyễn Văn Thoại, anh còn “ký gửi” xe với một số khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Thoại nên tháng nào cũng dành dụm được vài chục triệu đồng. Không những vậy, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 người vốn là thợ làm điện, nước của anh trước đây và một thợ sửa chữa xe máy.
Nghề cho thuê xe máy “ăn theo” du lịch giúp nhiều người tăng thu nhập. |
Còn anh Lê Văn Đồng ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cũng vui vẻ chia sẻ về nghề kinh doanh dịch vụ du lịch để có thu nhập ổn định. Trước đây, anh Đồng sống bằng nghề trồng hoa cúc, không khá giả nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình 4 miệng ăn. Khi vùng đất ven biển này được quy hoạch phát triển du lịch cũng là lúc anh... thất nghiệp.
Trong cái rủi có cái may, một lần tình cờ gặp khách du lịch hỏi ở Đà Nẵng có đồ gì làm quà lưu niệm, anh nảy ra ý định bán hàng lưu niệm cho khách. Một tuần sau đó, anh bắt đầu công việc này tại khu vực đường Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Thoại với đủ loại hàng như xe máy, xe xích lô bằng gỗ, mô hình gỗ về cầu Sông Hàn, cầu Rồng... Cùng với vợ bán trái cây quanh các khách sạn ven biển, vợ chồng anh đủ khả năng nuôi 2 con học đại học.
Cũng phục vụ khách du lịch, bà Trần Thị Nga (đường Nguyễn Văn Thoại) tự hào tâm sự công việc làm bánh đậu phụng, một loại bánh truyền thống không chỉ giúp mang lại nguồn thu nhập gần 7 triệu đồng mỗi tháng mà còn giúp gần chục người có việc làm. Trước đây, bà Nga từng sống bằng nghề làm bánh đậu phụng bán ở bến phà. Từ khi có cầu quay Sông Hàn, bà bỏ nghề và chuyển sang làm “thợ đụng”, cuộc sống khá khó khăn.
Gần đây, khi biết khách du lịch, nhất là khách Trung Quốc rất thích bánh đậu phụng, bà quay trở lại nghề cũ. Ngoài bán lẻ, bà còn cung cấp bánh cho khá nhiều người cùng bán ở tất cả các điểm có đông khách du lịch lui tới. Bà Nga cho biết: “Trước đây chỉ cần làm cho ngon, bây giờ còn phải để ý đến hình thức. Bánh bỏ vô bao ni-lông, hút chân không, khách nhìn là thích ngay, nhờ vậy mình cũng bán được giá hơn”.
Bài và ảnh: THANH VÂN