Nhiều năm nay, hàng ngàn con em của phụ nữ nghèo trên địa bàn quận Hải Châu vững bước đến trường nhờ sự tiếp sức của nguồn quỹ “Ước mơ xanh” do chính các chi hội Phụ nữ dành dụm từ phong trào “Thu gom, phân loại rác thải”.
Từ việc phân loại rác thải hằng ngày, các cấp Hội Phụ nữ quận Hải Châu có nguồn kinh phí tiếp sức các em đến trường. |
Chị Lê Thị Diễm Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thạch Thang cho biết, trên địa bàn vẫn còn nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nên việc đến trường của con cái rơi vào ngõ cụt. Đơn cử như trường hợp em Trần Văn Thắng (trú tổ 14, Trường THPT Tôn Tất Tùng), gia đình thuộc diện hộ nghèo, mẹ đơn thân, mưu sinh bằng quán cơm vỉa hè và dưới Thắng còn có một đứa em bị tàn tật, phụ thuộc hoàn toàn vào mẹ trong mọi sinh hoạt… Cuộc sống khốn khó nên người mẹ không có ý định cho con đến trường, nhưng được sự động viên của chính quyền và sự hỗ trợ của các đoàn thể, Thắng vẫn có thể đến lớp suốt 11 năm qua. Từ năm 2006, ngoài sổ tiết kiệm 500.000 đồng/năm của Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố, Thắng còn nhận sự hỗ trợ của Hội LHPN phường với mức 500.000 đồng/năm. Riêng mẹ của em cũng nhận hỗ trợ sinh kế của Hội LHPN phường gồm bàn ghế và dù để buôn bán.
Cũng theo chị Diễm Hồng, nhờ hoạt động thu gom rác thải, các chi hội đã tạo được nguồn quỹ tiếp sức con em phụ nữ nghèo đến trường. Phường Thạch Thang có 30 chi hội Phụ nữ khu dân cư (KDC) với 2.029 hội viên. Các chi hội thực hiện phân loại rác tập trung. Mỗi tháng một lần, hội viên mang những vật dụng như chai nhựa, giấy báo, bìa carton, lon bia… đến tại nhà Chi hội trưởng phân loại và bán lấy tiền bỏ heo đất.
“Cứ gom góp từng chút một mà hằng năm mỗi chi hội tiết kiệm được 1 – 2 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, 6 năm qua, chúng tôi đã tiếp sức 256 em với gần 130 triệu đồng. Riêng năm 2017, Hội hỗ trợ 40 trường hợp với 23 triệu đồng”, chị Hồng chia sẻ.
Phong trào “Thu gom, phân loại rác thải” để thực hiện “Ước mơ xanh” đến nay đã lan tỏa ở hầu hết các chi hội cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu. Nhớ lại những ngày đầu mới phát động phong trào, chị Võ Thị Hồng Đức, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ 36, phường Thuận Phước cho biết, các chị đã gặp không ít khó khăn vì người dân cho rằng việc gom rác gây bẩn nhà, mất công phân loại và nghi ngại quỹ để đâu, làm gì, ai quản lý nên theo họ… cứ mang đi đổ cho xong. Tuy vậy, các chị vẫn kiên trì phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện, đầu tiên là những gia đình cán bộ KDC, đảng viên, dần dần thu hút được mọi người tham gia và đến nay hoạt động này trở thành thói quen của người dân nơi đây. Phong trào này được thực hiện vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần. Hễ thấy xe thu gom rác đi qua là người dân tự động đem rác đã được phân loại ra bỏ.
Đến nay, toàn phường có 100% KDC triển khai thực hiện với khoảng 85% người dân tham gia, tổng số tiền tích lũy được tính từ 2009 đến nay là 159.198.000 đồng. Hội LHPN phường trích gần 89 triệu đồng từ nguồn quỹ này để tiếp sức gần 300 học sinh nghèo đến trường; ngoài ra trao quà Tết cho người dân, hỗ trợ đột xuất cho các hộ nghèo, khó khăn, mua trang thiết bị sinh hoạt cho KDC. Mỗi KDC thu và chi phục vụ các hoạt động hằng năm từ 5 triệu - 10 triệu đồng, có nơi từ 15 triệu - 20 triệu đồng…
Trao đổi thêm về quỹ Ước mơ xanh, bà Hồ Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Hải Châu cho biết, từ việc phân loại rác thải hằng ngày, các cấp Hội Phụ nữ đã có nguồn kinh phí để chia sẻ phần nào khó khăn của các em và gia đình. 7 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trên toàn quận đã hỗ trợ được 3.195 suất học bổng cho 2.697 em trị giá 1,629 tỷ đồng (trong đó, năm 2017 trao 423 suất trị giá 228,7 triệu đồng). Điều đáng nói, từ nguồn quỹ này, các em đã thực hiện được ước mơ đến trường, nhiều em vươn lên học giỏi như: em Phạm Công Nữ Như Ý (phường Bình Thuận, Trường THPT Phan Châu Trinh, đạt học sinh giỏi), Hán Thị Mai Thi (phường Hòa Thuận Tây, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học sinh giỏi nhiều năm và đoạt giải cấp thành phố), em Phạm Nguyễn Chu Bình (phường Hòa Thuận Tây, 12 năm liền là học sinh khá, giỏi cấp trường, năm học 2016-2017 thi đỗ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng)... Nhiều em sau khi đỗ đại học đã không quên sự hỗ trợ của chính quyền, các đoàn thể địa phương nên nhận kèm cặp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại phường Hòa Cường Nam như em Trần Thị Ly Ly (sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ), em Nguyễn Thị Thúy Mỹ (sinh viên Trường Đại học Sư phạm)…
“Nguồn quỹ này không chỉ động viên các em và gia đình về vật chất mà cả tinh thần. Thông qua hoạt động thu gom rác thải, người dân phấn khởi và cảm thấy gắn bó hơn với phong trào, với KDC nơi mình sinh sống. Hội LHPN quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ý nghĩa này”, bà Huệ cho biết.
Bài và ảnh: HÀ THU