Chính trị - Xã hội

Phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn trường học

14:29, 28/09/2017 (GMT+7)

Do một số bất cập về mô hình tổ chức, thời gian qua, các Công đoàn Giáo dục quận, huyện chỉ đóng vai trò là cấp trung gian, quá trình hoạt động còn gặp nhiều hạn chế trong thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình. Để có cơ sở chỉ đạo hoạt động, việc có một quy chế phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục và các LĐLĐ quận, huyện là cần thiết.

Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục thành phố và các LĐLĐ quận, huyện về chỉ đạo hoạt động các CĐCS trường học trên địa bàn quận, huyện.
Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Công đoàn Giáo dục thành phố và các LĐLĐ quận, huyện về chỉ đạo hoạt động các CĐCS trường học trên địa bàn quận, huyện.

Tính đến 15-5-2017, LĐLĐ các quận, huyện trên địa bàn thành phố quản lý 7 Công đoàn Giáo dục (CĐGD) quận, huyện gồm 314 CĐCS với 12.797 đoàn viên. Những năm qua, CĐGD quận, huyện đã có nhiều đóng góp tích cực vào phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn trên địa bàn; vận động CNVCLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính ngành nghề, các hoạt động xã hội từ thiện; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn biểu dương, khen thưởng. Có thể nói, về cơ bản, CĐGD quận, huyện đã hoàn thành nhiệm vụ theo quyền hạn được giao.

Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý Nhà nước, UBND quận, huyện quản lý cán bộ, giáo viên, lao động thuộc Phòng Giáo dục quận, huyện; đồng thời, theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, CĐGD quận, huyện do LĐLĐ quận, huyện quyết định thành lập hoặc giải thể. Những chồng chéo trong mô hình quản lý như vậy làm phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị, giải quyết những phát sinh trong quan hệ lao động; đội ngũ BCH CĐGD quận, huyện hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi số lượng CĐCS và đoàn viên tại khối trường học lớn nên việc nắm tình hình và tổ chức hoạt động phong trào chưa đạt chất lượng cao.

Thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về hướng dẫn sắp xếp lại Công đoàn ngành địa phương, Công đoàn Giáo dục cấp huyện, đến 30-6-2017, thành phố Đà Nẵng đã hoàn tất các thủ tục để các CĐCS khối trường học tiến hành đại hội kịp tiến độ. LĐLĐ các quận, huyện đã ban hành quyết định giải thể và chấm dứt hoạt động của BCH CĐGD cấp quận, huyện hiện có; chuyển các CĐCS trường học về trực thuộc sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của LĐLĐ cấp quận, huyện… để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

Hoan nghênh chủ trương này, ông Phạm Quang Ánh, Chủ tịch LĐLĐ quận Cẩm Lệ phấn khởi cho biết: “Chúng tôi thống nhất cao việc tiếp nhận các CĐCS trường học về sinh hoạt, trực thuộc sự quản lý của LĐLĐ quận. Đây là điều kiện thuận lợi để công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động được tập trung, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để có cơ sở chỉ đạo hoạt động, việc có một quy chế phối hợp giữa CĐGD và các LĐLĐ quận, huyện là cần thiết”. Xuất phát từ thực tiễn đó, quy chế phối hợp giữa CĐGD và các LĐLĐ quận, huyện ra đời nhằm đảm bảo tính thống nhất của tổ chức Công đoàn, hạn chế sự chồng chéo hoặc bỏ sót công việc chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để CĐCS trường học các quận, huyện hoạt động hiệu quả.

Theo đó, đối tượng chịu sự chỉ đạo phối hợp là CĐCS trường học trên địa bàn quận, huyện do LĐLĐ quận, huyện quản lý, gồm: CĐCS các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Các nội dung phối hợp chỉ đạo hoạt động CĐCS trường học trên địa bàn quận, huyện liên quan đến công tác tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, viên chức lao động; đảm bảo công tác tuyên truyền, giáo dục được hoàn thiện nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tham gia quản lý chuyên môn trong ngành; tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động, công tác tổ chức cán bộ… Đặc biệt quan tâm đến chất lượng hoạt động, phong trào, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, quy chế này được ban hành chủ yếu hướng đến công tác phối hợp thông tin giữa CĐGD thành phố và LĐLĐ các quận, huyện. Ông Triết yêu cầu, các bên cần kịp thời cung cấp thông tin cho nhau về chương trình công tác, chủ trương lớn của ngành, của địa phương hoặc những vấn đề đột xuất khác.

Như vậy, đối với những chỉ đạo ngành dọc của CĐGD Việt Nam, công tác triển khai, thực hiện đến các CĐCS trường học thời gian tới sẽ đi theo kênh nào, liệu sự chồng chéo có được giải quyết dứt điểm hay không đã không còn là nỗi băn khoăn, lo ngại. Với bộ quy chế vừa ký kết, ông Hà Hội, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục thành phố hy vọng: “Văn bản này có hai nội dung, LĐLĐ quận, huyện thì chỉ đạo còn CĐ ngành Giáo dục thì hướng dẫn các nội dung liên quan đến ngành nghề. Với sự phối hợp chặt chẽ như vậy, thời gian tới tôi tin rằng mọi hoạt động sẽ nhanh chóng đi vào nền nếp và hiệu quả hơn”.

Ngọc Chân

.