Sau khi Báo Đà Nẵng ra số ngày 22-9 đăng bài viết Xung quanh vấn đề giải thể vườn thú Công viên 29-3, một số ý kiến cho rằng, cần thiết cho tồn tại vườn thú, đặc biệt là phục vụ nhu cầu tham quan, giáo dục lớp trẻ về bảo tồn sinh học. Tuy nhiên, nếu duy trì vườn thú thì việc chăm sóc, nuôi dưỡng và không gian sinh sống cho các loài thú rất cần được quan tâm.
Có ý kiến rằng cần xã hội hóa việc đầu tư vườn thú đúng nghĩa ở Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Đang bế cháu ruột đến cho nai ăn rau tại vườn thú Công viên 29-3, chị Trà Nguyễn Phương Anh (trú thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tỏ ra tiếc rẻ khi nghe đề cập đến việc giải thể khu nuôi thú này. “Mỗi lần ra Đà Nẵng thăm bà con hoặc đi chơi, kiểu gì mấy đứa nhỏ cũng đòi ba mẹ đưa đến công viên xem thú. Số lượng thú tuy không nhiều nhưng các cháu đều rất thích, vì đây là điểm duy nhất tại Đà Nẵng và Quảng Nam có vườn thú”, chị Anh chia sẻ.
Theo anh Lê Xuân Linh, công nhân chăm sóc vườn thú, đối tượng tham quan nhiều nhất vẫn là các em học sinh nhóm lớp nhỏ, dịp cuối tuần có thể lên đến vài trăm em. Các em đều tỏ ra hào hứng, thích thú khi cho nai ăn, hoặc ngắm những chú khỉ nhảy nhót đùa giỡn bên trong. Việc tham quan vườn thú, tiếp xúc và tìm hiểu tập tính của các loài không chỉ tạo niềm vui cho các em mà còn có ý nghĩa giáo dục, bảo tồn các loài động vật.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước việt Xanh (GreenViet) cho rằng, giải thể vườn thú là quyết định hợp lý nhưng cũng cần phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng. “Diện tích nuôi nhốt quá chật hẹp, không bảo đảm điều kiện cho các loài sinh sống. Hơn nữa, vị trí hiện nay tại Công viên 29-3 là quá gần khu dân cư, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh. Một trong những chức năng quan trọng của các vườn thú là yếu tố giáo dục, nhưng nếu điều kiện nuôi nhốt quá chật hẹp, bẩn thỉu, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng không bảo đảm thì vô tình việc giáo dục sẽ phản tác dụng.
Bởi các loài vật cũng có những tập tính, sở thích riêng, cần phải tái hiện một cách chân thực nhất không gian, môi trường sống của nó thì những tập tính về loài mới bộc lộ rõ”, ông Vỹ cho biết. Về phương án tái thả vào thiên nhiên, ông Vỹ cho rằng không hợp lý vì số thú này đã được nuôi nhốt khá lâu, những bản năng sinh tồn vốn có đã không còn, nên chúng không thể tồn tại ngoài môi trường tự nhiên được.
Trong khi đó, ông Trần Viết Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố cho rằng, hiện tại Chi cục chỉ mới nhận được công văn của Công ty Công viên - Cây xanh nên vẫn chưa nắm bắt tình hình cụ thể các thú nuôi tại đây. “Khi nào nhận được sự chỉ đạo thì đơn vị sẽ phối hợp Công ty Công viên - Cây xanh tiến hành các thủ tục liên quan, cũng như xem xét tình trạng các loài để có hướng dẫn phù hợp với hai phương án: Trả về thiên nhiên hoặc chuyển giao đến các đơn vị đủ chức năng nuôi dưỡng, chăm sóc như mở thảo cầm viên, khu sinh thái…”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, ở Việt Nam, nhiều đơn vị tư nhân đã đầu tư vườn thú khá thành công với hàng trăm chủng loại như khu công viên nước Củ Chi (quy mô 28ha với hàng trăm cá thể), Đại Nam (Bình Dương), Safari (Phú Quốc), Nha Trang… Vì thế, quan điểm cá nhân của ông Phương là cần đầu tư một vườn thú đúng nghĩa, tức là có môi trường nuôi dưỡng tốt, gần với tự nhiên, chăm sóc chuyên nghiệp. Để làm được điều này, cần tính toán đến hình thức xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố cho hay, ngày 6-9, Sở Xây dựng có Công văn số 7988/SXD-HTKT đề xuất UBND thành phố thống nhất chủ trương cho phép chuyển giao toàn bộ số thú nuôi hiện có tại Công viên 29-3 cho đơn vị đủ điều kiện theo quy định tiếp tục nuôi dưỡng nhằm bảo tồn, bảo vệ số động vật hoang dã hiện có, phục vụ mục đích tham quan, học tập, giáo dục về đa dạng sinh học và du lịch cho người dân. Giao Công ty Công viên - Cây xanh đề xuất phương án tận dụng khu vực chuồng trại hiện trạng, cải tạo thành khu vực cảnh quan trong Công viên 29-3 sau khi chuyển giao thú nuôi. Hiện đang chờ ý kiến của lãnh đạo thành phố. |
NGỌC HÀ – PHAN CHUNG