Chính trị - Xã hội
Lương tối thiểu: Khuyến nghị tăng thêm 1.350.000 đồng giai đoạn năm 2013-2018
Theo Tổng Liên đoàn lao động VN, giai đoạn 2013-2018, lương tối thiểu vùng đã được khuyến nghị tăng thêm 5 lần với tổng mức tăng khoảng 1.350.000 đồng. Để đảm bảo đời sống người lao động, Quốc hội cần sớm ban hành luật tiền lương tối thiểu.
Theo Tổng Liên đoàn lao động VN, giai đoạn 2013-2018, lương tối thiểu vùng đã được khuyến nghị tăng thêm 5 lần với tổng mức tăng khoảng 1.350.000 đồng. Để đảm bảo đời sống người lao động, Quốc hội cần sớm ban hành luật tiền lương tối thiểu. |
Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động VN (Tổng LĐLĐ VN) công bố hôm 17/10 cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động (không kể ăn ca) đạt gần 5.500.000 đồng/tháng. Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở...
Theo ông Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) đạt khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng. Số tiền này chiếm từ 20% đến 30% thu nhập của người lao động.
Trong đó, lao động trực tiếp sản xuất nhận được số tiền làm thêm giờ tương đối cao. Những tháng không làm thêm giờ và hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, đời sống gặp khó khăn.
Tính từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã 5 lần khuyến nghị tăng mức lương tối thiểu vùng. (Nguồn: Tổng LĐLĐ VN) |
Thống kê của hệ thống công đoàn cho thấy, tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể có tới 72 cuộc/133 cuộc tranh chấp lao động và đình công (chiếm 54,1%).
Trong đó, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).
Tổng LĐLĐ VN nhận định, các mức lương tối thiểu do Chính phủ điều chỉnh trong những năm qua đã góp phần cải thiện tiền lương thực tế của người lao động, nhưng tiền lương tối thiểu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.
Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Lý đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động.
“Đặc biệt, khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ” - ông Trần Văn Lý cho biết.
Cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương Quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.
Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ - CP, nhằm giúp người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Theo Tổng LĐLĐ VN, năm 2017: 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập. Có 54,0% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra. |
Theo Dân trí