Chính trị - Xã hội

Quản lý hàng rong "cơ giới hóa"

14:17, 17/10/2017 (GMT+7)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai công tác kiểm tra, xử lý đối tượng lang thang xin ăn và bán hàng rong bu bám khách du lịch. Kết quả cho thấy người lang thang xin ăn giảm mạnh so với trước đây, tuy nhiên việc xử lý hàng rong vẫn còn gặp khó khăn.

Hàng rong được “cơ giới hóa”.
Hàng rong được “cơ giới hóa”.

Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát hiện và xử lý người lang thang xin ăn. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, thì sự chung tay của người dân được xem là nguyên nhân để công tác phát hiện, xử lý người lang thang đạt kết quả tốt.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) đã tiếp nhận gần 300 cuộc gọi qua đường dây nóng (0236.3550550). Hầu hết các cuộc gọi của người dân đã được các lực lượng chức năng tiếp nhận, kịp thời có mặt xử lý. Nhờ nguồn thông tin này, các cơ quan chức năng đã tạm giữ 130 trường hợp, trong đó có 40 trường hợp là người bị tâm thần, 30 đối tượng lang thang xin ăn, 44 đối tượng lang thang không nơi cư trú và 16 trường hợp xin ăn biến tướng. Qua công tác phân loại, chỉ có 13 người có hộ khẩu thành phố, còn lại 117 người không rõ địa chỉ. Trong số này có 38 người đã được đưa về gia đình, 27 người được đưa trở về quê và 26 người đã được liên lạc người nhà để bàn giao lại.

Riêng tại quận Hải Châu, 8 tháng đầu năm, Tổ 550 của quận đã xử lý 43 người vi phạm, trong đó có 16 người thuộc diện lang thang xin ăn, 9 người tâm thần, 9 đối tượng lang thang không nơi cư trú... Đặc biệt, qua công tác phân loại đã phát hiện có 5 đối tượng lợi dụng người khuyết tật để đi bán hàng rong; 2 đối tượng giả danh nhà sư đi khất thực tại khu vực trung tâm thành phố. Cũng qua công tác phân loại, quận đã giúp 2 người ở phường Hải Châu 2 và 2 người ở phường Thuận Phước là những đối tượng tâm thần lang thang xin ăn về lại gia đình và đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố.

Công tác xử lý đối tượng lang thang xin ăn đạt được kết quả khá tốt, ngược lại việc xử lý người bán hàng rong bu bám du khách vẫn gặp nhiều khó khăn. Nếu trước đây những người bán hàng rong chủ yếu bưng bê hoặc gánh hàng đi dạo quanh khu vực tập trung nhiều du khách để mời chào, thì hiện nay hầu hết người bán hàng rong đã “cơ giới hóa” phương tiện buôn bán.

Theo các lực lượng chức năng quận Sơn Trà, trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua, quận tổ chức nhiều đợt ra quân cao điểm xử lý hàng rong nhưng cũng chỉ xử lý được 26 đối tượng dùng xe máy chở hàng đi bán. Đây là con số rất thấp so với thực tế đông đảo người bán hàng rong luôn vây quanh các điểm du lịch trên địa bàn quận để chèo kéo du khách mua hàng của mình.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của một lãnh đạo phường thuộc quận Sơn Trà, ngoài những đối tượng dùng xe máy bán hàng rong vốn rất khó xử lý, thì việc xử lý những người bán hàng rong trên những chiếc xe đẩy cũng không hề đơn giản. Nguyên nhân là những người này rất thông thạo đường đi lối lại tại những điểm cấm bán hàng rong. Vì vậy, họ thường chọn bán hàng ở những nơi có đường “xương cá”, nếu bị phát hiện thì chỉ cần đẩy xe vào những con hẻm nhỏ hoặc những tuyến đường không có biển cấm bán hàng rong và lực lượng chức năng sẽ khó xử lý được họ.

Trong Tuần lễ Cấp cao APEC, ngoài hàng chục ngàn quan khách, doanh nhân, nhà báo trong và ngoài nước tập trung về thành phố Đà Nẵng, sẽ có rất nhiều du khách khắp nơi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đây cũng là dịp những người bán hàng rong sẽ “bung” ra làm ăn. Vì vậy, trong thời gian đến rất cần sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự chung tay của người dân trong việc cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý những trường hợp vi phạm, tương tự như trong công tác xử lý người lang thang xin ăn.

Bài và ảnh: THANH VÂN

.