Chính trị - Xã hội
Báo động về mất an toàn lao động
Tháng 3-2017, chị Đ. (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được nhận vào làm tại một công ty chế biến gỗ thuộc KCN Hòa Cầm. Chưa kịp mừng vì có việc làm để lo cho 4 đứa con và người chồng thất nghiệp thì bất ngờ chị bị tai nạn dập cánh tay phải. Vì mới hợp đồng thử việc nên chị Đ. chỉ được công ty hỗ trợ ít tiền chạy chữa ban đầu, còn lại toàn bộ chi phí gia đình phải lo liệu. Đến nay, sau hơn 7 tháng điều trị ở các khoa của Bệnh viện Đà Nẵng, chị cũng chưa thể xuất viện và cánh tay phải có nguy cơ không thể trở lại bình thường. Cuộc sống của chị hiện nay là lay lắt nằm viện nhờ những bữa cơm từ thiện.
Người lao động không được trang bị phương tiện bảo hộ đầy đủ khi làm việc nguy hiểm. Ảnh: MINH TRÍ |
Trước đó, một tai nạn xảy ra với anh B. ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cũng là trường hợp mà phần thiệt thòi thuộc về người lao động. Tròn một năm trước, khi nhận lợp lại mái nhà cho hàng xóm, trong lúc leo lên mái để tháo dỡ tôn cũ, bất ngờ anh bị ngã xuống đất gây chấn thương cột sống lưng. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, anh phải gắn cuộc đời còn lại của mình vào chiếc giường vì bị liệt toàn thân.
Hai trường hợp trên không phải là cá biệt khi các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Thống kê của các cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 57 vụ TNLĐ, làm chết 61 người. Trong năm 2016 xảy ra 93 vụ TNLĐ, làm 10 người chết. Quý 1 năm 2017 xảy ra 8 vụ TNLĐ, làm chết 9 người và 2 người bị thương nặng. Tuy nhiên, thực tế số vụ TNLĐ và số người bị nạn luôn cao hơn con số thống kê của các cơ quan chức năng do tình trạng nhiều lao động phổ thông, lao động tự do làm việc theo “hợp đồng miệng”. Đối với kiểu lao động như vậy, nếu xảy ra TNLĐ, thường thì người lao động gánh chịu mọi hậu quả, còn người sử dụng lao động chủ yếu vẫn dừng ở mức đền bù một phần thuốc thang ban đầu hoặc nếu có chết người thì hỗ trợ tiền hậu sự và giấu thông tin với các cơ quan chức năng.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH thành phố, nguyên nhân xảy ra tai nạn trong quá trình lao động vẫn là do rơi ngã, do vật rơi đổ, điện giật. Trong đó, lỗi của người sử dụng lao động sử dụng thiết bị lao động không bảo đảm an toàn, chưa huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho người lao động; không có quy trình, biện pháp an toàn lao động. Về phía người lao động thì vi phạm quy trình lao động, không sử dụng các thiết bị bảo vệ an toàn cá nhân; nhất là trên lĩnh vực xây dựng ở các công trình dân dụng, có quy mô nhỏ, tình trạng vi phạm an toàn lao động rất phổ biến.
Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian đến vẫn là các sở, ban, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thanh, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực có nguy cơ xảy ra TNLĐ... Sở cũng tổ chức hướng dẫn UBND các phường, xã thống kê báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương lại cho rằng, đây là việc rất khó và có phần quá tầm với chính quyền cơ sở. Nguyên nhân là tình trạng lao động tự do không có hợp đồng rất phổ biến và diễn ra trên hầu hết lĩnh vực ngành nghề. Bên cạnh đó, người lao động còn khá thờ ơ với việc bảo đảm an toàn cho chính mình. Theo một số chủ thầu xây dựng công trình dân dụng, chỉ riêng yêu cầu người lao động phải đội mũ bảo hộ lao động, đi giày vải trong quá trình làm việc cũng là việc rất khó. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền với đối tượng lao động tự do gần như không được quan tâm, trong khi công tác kiểm tra của cơ quan chức năng chủ yếu hướng vào các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất có quy mô lớn.
THANH VÂN