Chính trị - Xã hội

ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp du lịch

07:57, 29/11/2017 (GMT+7)

Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành là cơ sở quan trọng và cần thiết để ngành du lịch các địa phương tìm giải pháp cho sự bứt phá về du lịch.

Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành du lịch; là tiền đề và cơ hội quan trọng để tập trung phát triển ngành du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Thành phố Đà Nẵng đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010-2015). Vì vậy, Nghị quyết số 08-NQ/TW tạo động lực lớn, là cơ sở để xây dựng các giải pháp đột phá, đồng bộ, tạo sự thống nhất trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển du lịch; là cơ hội để thành phố có thể thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh hơn nữa.

Thời gian qua, ngành du lịch thành phố đã nhanh chóng tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa các nội dung để thực hiện theo định hướng và tinh thần của Nghị quyết 08. Ngành sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục các vấn đề tồn tại, gắn liền với thực hiện các nội dung cốt lõi của Nghị quyết trong hoạt động du lịch như: thực hiện các kế hoạch tuyên truyền và nâng cao nhận thức để đổi mới tư duy về phát triển du lịch; phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương thông qua quy chế phối hợp nhằm mang lại hiệu quả thực sự cho ngành du lịch. Đặc biệt, tiếp tục triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp (DN) và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh điểm đến, bảo đảm môi trường du lịch của thành phố an toàn, thân thiện nhằm nâng cao uy tín thương hiệu và sức hút của điểm đến. Đồng thời, tham mưu cho thành phố thuê các chuyên gia, tư vấn (kể cả quốc tế) có kinh nghiệm về đánh giá hiệu quả của ngành du lịch, tổ chức rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể du lịch thành phố và khảo sát đánh giá thị trường để tạo ra các sản phẩm du lịch theo đúng nhu cầu của thị trường, có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, sẽ bám sát tinh thần của nghị quyết để xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá thí điểm áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) theo hướng áp dụng một số chính sách đột phá như một số địa phương Phú Quốc, Quảng Ninh, Lâm Đồng đang áp dụng, nhằm tạo bước phát triển mạnh ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và cụm du lịch 3 địa phương nói chung. Nghiên cứu sớm thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của thành phố. Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó triển khai quy hoạch phố du lịch 24/7; quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và triển khai Đề án khai thác dịch vụ du lịch tuyến biển Nguyễn Tất Thành; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống tiện ích tại các bãi tắm công cộng tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và tuyến Nguyễn Tất Thành nhằm phục vụ du khách… Các dự án hoàn thành sẽ là tiền đề đáp ứng và thu hút khách đến với thành phố; đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong và ngoài nước; tổ chức tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các sự kiện lớn…

Việc đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch hầu hết từ nguồn lực xã hội, hay nói cách khác từ cộng đồng DN. Vì vậy, Nghị quyết 08 có nhiều nội dung tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho DN du lịch trong điều kiện thực tế hiện nay. Do đó, cần có các cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ tích cực của điểm đến (chính sách hỗ trợ đầu tư: giá thuê đất, thủ tục hành chính về đầu tư, công tác giải tỏa đền bù...), đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi (đường giao thông, điện, nước...). Đồng thời, có các chính sách tạo thuận lợi và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhằm giúp các DN thu hút khách quốc tế. Vì vậy, để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên ngành du lịch, cần có cơ chế chính sách đột phá; tổ chức quy hoạch cụ thể hơn loại hình dịch vụ, sản phẩm cần đầu tư ở các địa bàn nhằm tránh đầu tư tràn lan, trùng lắp cũng như dành quỹ đất ưu tiên cho đầu tư theo đúng quy hoạch. Đặc biệt, khi hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá cho DN. Các chính sách hỗ trợ sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN để có thể cạnh tranh với DN nước ngoài trong xu thế hội nhập.

THU HÀ

.