KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Cần cơ chế chính sách riêng để TP. Hồ Chí Minh phát triển

.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh, sáng 20-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí việc thông qua Nghị quyết theo đúng quy trình một kỳ họp và khẳng định việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo động lực phát triển không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh mà còn đối với cả nước.

Nghị quyết quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý…

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để QH ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có quy mô, mật độ dân số lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, thu nhập đầu người cao nhất, đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Nhưng theo báo cáo, hơn 30 năm đổi mới, cơ chế chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh tương tự như các địa phương khác. Chính cơ chế chính sách hiện hành không tạo điều kiện cho thành phố phát huy các tiềm năng lợi thế. Do đó, có cơ chế chính sách đặc thù cho thành phố là yêu cầu mang tính khách quan. Có cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, năng động, chủ động sáng tạo phát triển tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ tin tưởng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển, xứng đáng là trung tâm, đầu tàu phía Nam, kéo các toa tàu thẳng tiến, đóng góp lớn hơn nữa vào sự phát triển của xã hội và ngân sách chung của cả nước.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số quy định nhằm tạo đột phá cho TP. Hồ Chí Minh, hạn chế tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm tư duy nhiệm kỳ. Ủng hộ việc cho phép TP. Hồ Chí Minh chủ động trong một số sắc thuế và phí phù hợp với nguồn thu và yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh kiến nghị cần bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng, đánh giá tác động khi dự thảo Nghị quyết được thông qua, mở rộng điều tra xã hội đối với các chính sách này theo đúng quy định của Luật, tránh lạm dụng tùy tiện tăng thuế, phí, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của người dân.

Giải trình làm rõ những vấn đề ĐB đặt ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đa số các ĐB nhất trí chính sách cơ chế tài chính cho TP. Hồ Chí Minh, nhưng còn băn khoăn về chính sách thuế, điều chỉnh thuế suất hiện hành. Cũng theo Bộ trưởng, các băn khoăn này là xác đáng. Khi đề xuất chính sách, TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Mặt khác, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa cả nước.

Mặt khác, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc ban hành Nghị quyết không có nghĩa thành phố thực hiện tăng thuế ngay mà phải xây dựng đề án cụ thể như là tăng ở thuế suất nào, tăng mức nào, đối tượng chịu thuế. Đặc biệt, có đánh giá tác động đầy đủ đến môi trường kinh doanh, đời sống người dân, các tác động xã hội khác để báo cáo HĐND thành phố, báo cáo Chính phủ để trình với Ủy ban Thường vụ QH hoặc QH nếu cần thiết để xem xét, quyết định.

Đối với quy định về việc cho phép TP. Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển chọn cán bộ, thu hút nhân tài, chế độ lương bổng trong khả năng phạm vi ngân sách của thành phố và linh hoạt hơn, bố trí thời gian làm việc, phù hợp với yêu cầu công tác, siết chặt quản lý chất lượng và hiệu quả đầu ra công việc, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh: Việc thực hiện các quy định này cần gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giản biên chế, không trái với chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước…

B.T

;
.
.
.
.
.