Chính trị - Xã hội
Ngành điện ứng phó với mưa, bão
Nằm ở khu vực ven biển, hạ lưu các con sông, Đà Nẵng luôn phải hứng chịu tác động bất thường của thời tiết. Để bảo đảm an toàn nguồn lưới điện, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành điện đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Công tác kiểm tra an toàn lưới điện được ngành điện lực chú trọng trước mùa mưa bão. |
Trước dự báo tình hình thiên tai phức tạp, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (Điện lực Đà Nẵng) đã xây dựng nhiều phương án ở từng khu vực địa hình cụ thể như: bão cấp 10, trên cấp 10, siêu bão tương ứng tốc độ gió trên 90km/giờ. Khu vực ven biển các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu có nguy cơ sóng biển dâng cao.
Lũ, lũ quét ở các địa bàn chịu ảnh hưởng như sông Vu Gia (Ái Nghĩa), Túy Loan, Cẩm Lệ, Cu Đê có nhiều đợt lũ với báo động cấp 3 hoặc lớn hơn, kéo dài từ 5-7 ngày. Khu vực các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) dự phòng lũ quét và các tình huống vỡ hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ lớn như Đồng Nghệ, Hòa Trung.
Khu vực nội thành, các khu công nghiệp, khu dân cư có nguy cơ ngập kéo dài do các công trình hạ tầng thoát nước chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, các tình huống bão và lũ kết hợp gây nguy hiểm cho các khu vực… Trên cơ sở đó, Điện lực Đà Nẵng triển khai phương thức vận hành hệ thống điện với phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh hậu quả, ổn định sản xuất sau thiên tai”.
Ông Võ Hòa, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết: “Hệ thống điện do công ty quản lý phân bố trên địa bàn thành phố với địa hình đa dạng, chịu tác động từ các yếu tố dân sinh và thời tiết. Do đó, công ty đã chỉ đạo thống nhất toàn điện lực chuẩn bị, bám sát phương châm “4 tại chỗ” và theo dõi, dự báo thông tin kịp thời, chính xác. Khi có sự cố, phối hợp với ban chỉ huy các cấp, chính quyền địa phương và các đơn vị bạn từng địa phương, khu vực và thành phố.
Trên cơ sở kinh nghiệm nhiều năm trong phòng chống thiên tai, công ty đã tuyên truyền người dân, các đơn vị sử dụng điện bằng nhiều hình thức khác nhau như thông tin bằng phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn an toàn, tờ rơi... Tuy nhiên, theo phản ánh của một số điện lực cơ sở, khó khăn trong công tác đối phó với bão lũ hiện nay là các dự án đầu tư, khu đô thị, xây dựng khu dân cư, mở đường, hệ thống thoát nước không đồng bộ, chưa đúng quy hoạch, gây ngập lụt cục bộ. Khu vực trung tâm thành phố có nhiều nhà cửa, cây xanh có tán lá rộng, gốc yếu…, khi có gió lớn dễ gây sự cố do cây ngã, va quệt.
Ngoài ra, các công trình xây dựng kết cấu yếu, mái tôn có thể bay vào công trình điện, ảnh hưởng đến việc cấp điện. “Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã lập phương án dựa trên các tình huống đặc trưng địa bàn mình quản lý để có hướng xử lý phù hợp. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tiểu ban chỉ huy và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Chúng tôi cũng tổ chức ký quy chế phối hợp bảo đảm an toàn điện, đề phòng tai nạn điện với chính quyền địa phương các phường, xã. Qua đó, phát hơn 50.000 tờ rơi tuyên truyền những điều cần biết để bảo đảm an toàn điện đối với hộ sử dụng điện đến người dân”, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Điện lực Liên Chiểu cho hay.
Trong khi đó, Điện lực Thanh Khê đã có kế hoạch dự phòng vật tư, nhiên liệu, thuốc men, lương thực; thường xuyên phát quang, cắt tỉa cây xanh trên các tuyến đường vi phạm khoảng cách phóng điện, có nguy cơ ngã đổ vào đường dây trung áp; đồng thời, xử lý các tồn tại trên lưới điện, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng đường dây, trạm biến áp, kiểm tra các vị trí xung yếu, khu vực ngập úng cục bộ, lập bảng tổng hợp, đầu tư hoàn thiện lưới điện, chống quá tải lưới điện…
Đến nay, 6 điện lực cơ sở gồm Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã tham gia diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn theo phương án được phê duyệt. Trong thời gian mưa bão, khi có lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, các đơn vị chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái sẵn sàng đối phó với thiên tai.
Công tác khôi phục hệ thống điện, bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại do bão, lũ gây ra được thực hiện trên nguyên tắc “4 tại chỗ” và vận dụng linh hoạt vào điều kiện từng đơn vị. Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả, khôi phục hoạt động bình thường cho hệ thống điện được chú trọng với yêu cầu bảo đảm an toàn là trên hết.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH