Chính trị - Xã hội
Phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu
Lễ hội “Ăn thề kết nghĩa” và “Mừng lúa mới” là hai trong nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu trong đời sống tinh thần của đồng bào Cơ tu, biểu hiện khát vọng và niềm tin của người dân đối với thế giới siêu nhiên; biểu tượng cho truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Cơ tu.
Các già làng tiến hành nghi thức cúng “Ăn thề kết nghĩa”. |
Mấy năm gần đây, đến dịp Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18-11 và Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, UBND huyện Hòa Vang phục dựng lễ hội “Ăn thề kết nghĩa” và “Mừng lúa mới” của đồng bào Cơ tu ở 3 thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú).
Ngay từ sáng sớm ngày chính lễ, già làng của 3 thôn chỉnh tề trong trang phục truyền thống đến nhà Gươl của làng để kiểm tra mâm lễ trước khi khấn vái Giàng. Mâm lễ vật gồm các thức ăn truyền thống của đồng bào Cơ tu. Khi cúng, cả 3 già làng cùng khấn to với nội dung thông báo với Giàng là hôm nay cả 3 làng làm lễ ăn thề, nguyện đoàn kết, gắn bó lẫn nhau, nếu làng nào gặp hoạn nạn thì sẽ được cộng đồng chia sẻ, tương trợ, xin thần linh chứng giám, ai làm sai sẽ bị trừng phạt… Sau nghi thức cúng, nhân dân cả 3 thôn quây quần hàn huyên bên ché rượu cần.
Già làng Đinh Văn Tú (thôn Phú Túc) chia sẻ: “Đây là lễ hội truyền thống, nếu duy trì được thì rất tốt cho đồng bào, nhất là giới trẻ. Bởi hiện nay, việc giao lưu trai gái giữa 3 làng rất phổ biến. Nếu bọn trẻ đến với nhau thì không được thách cưới quá cao mà phải tạo điều kiện để con cháu kết duyên vợ chồng”.
Nếu “Ăn thề kết nghĩa” thường tổ chức trước sự kiện văn hóa, thể thao có sự góp mặt của nhiều cộng đồng người Cơ tu thì lễ “Mừng lúa mới” được tổ chức thường xuyên hằng năm sau mỗi đợt thu hoạch lúa. Ngày trước, khi còn phát nương làm rẫy, đồng bào Cơ tu tổ chức “Mừng lúa mới” sau khi thu hoạch lúa ba trăng (lúa gieo trên nương rẫy). “Ngày nay, không còn phát nương rẫy, người dân chọn bất kỳ thời điểm nào phù hợp để “Mừng lúa mới”, miễn là sau đợt thu hoạch vụ lúa nước trong năm”, ông Bùi Văn Cầm, già làng thôn Giàn Bí cho biết.
Cũng theo già làng Cầm, lễ “Mừng lúa mới” là để tạ ơn thần linh đã cho mùa màng bội thu, mưa thuận, gió hòa và cầu cho năm đến dân làng mạnh khỏe, ấm no, mùa màng tươi tốt.
Cũng như “Ăn thề kết nghĩa”, lễ “Mừng lúa mới” được nhân dân dựng cây nêu và tổ chức đâm trâu. Cây nêu là trọng tâm của lễ hội, là cầu nối giữa thế giới thần linh với dân làng, nơi để gửi và nhận lễ vật hiến tế… Riêng về lễ đâm trâu, ông Tú phân trần: “Lễ hội mấy năm nay không tổ chức đâm trâu, bà con thấy bất an lắm vì sợ Giàng bắt phạt. Nhưng thôi, xã hội bây giờ tân tiến, tục đâm trâu không phù hợp nữa nên cả 3 già làng đã xin và được Giàng đồng ý rồi”.
Theo các già làng ở 3 thôn đồng bào Cơ tu, khoảng 15 năm trước đây, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Cơ tu được giữ vững. Tuy nhiên, những năm về sau do tác động nhiều yếu tố nên nhiều lễ hội ngày càng mai một. Lãnh đạo Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang cho rằng, việc phục dựng các lễ hội này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu mà còn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm để làm giàu thêm giá trị truyền thống của dân tộc mình. Huyện Hòa Vang đang xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc). Huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể như nói lý, hát lý, cồng chiêng, đan lát... của dân tộc Cơ tu để phục vụ du lịch.
Bài và ảnh: HẠ SƠN