Chính trị - Xã hội

Sáp nhập các đơn vị sự nghiệp văn hóa: Tính toán kỹ hiệu quả hoạt động

08:24, 04/11/2017 (GMT+7)

Từ năm 2018, các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao thuộc Sở Văn hóa-Thể thao (VHTT) thành phố sẽ tiến hành sáp nhập, thực hiện Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020. Theo ý kiến của các đơn vị, quá trình sáp nhập cần tính toán kỹ việc phân bổ nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Khi sáp nhập, Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ kiêm thêm hoạt động tổ chức sự kiện và phát hành phim. Tuy nhiên đến nay, Trung tâm vẫn chưa có trụ sở làm việc chính.
Khi sáp nhập, Trung tâm Văn hóa thành phố sẽ kiêm thêm hoạt động tổ chức sự kiện và phát hành phim. Tuy nhiên đến nay, Trung tâm vẫn chưa có trụ sở làm việc chính.

Theo đề án này, Sở VHTT giảm 6 đơn vị, gồm: sáp nhập Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội và Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng vào Trung tâm Văn hóa thành phố; sáp nhập Trung tâm Quản lý di sản văn hóa vào Bảo tàng Đà Nẵng; sáp nhập Trung tâm Thể dục-Thể thao người lớn tuổi, Cung Thể thao Tiên Sơn vào Trung tâm Thể dục-Thể thao và đổi tên thành Trung tâm Tổ chức thi đấu thể dục-thể thao; giải thể Trung tâm Quản lý quảng cáo.

Thực hiện việc sáp nhập này, có đơn vị lại quay về nơi từng tách ra. Chẳng hạn, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa vốn được phát triển từ Phòng Bảo tồn và quản lý di sản (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng), do nhu cầu đặc biệt quan trọng về quản lý toàn diện và bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, nghiên cứu, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thành phố.

Từ khi thành lập vào năm 2011 đến nay, Trung tâm đã thực hiện khá tốt vai trò của mình. Nhiều công trình đình làng được trùng tu kịp thời, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân; đặc biệt thực hiện nhiều hồ sơ có giá trị để công nhận bài chòi, hát tuồng là di tích phi vật thể quốc gia; công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia và hoàn thành hồ sơ đề nghị thành Điện Hải là di tích cấp quốc gia đặc biệt...

Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản, việc sáp nhập nhằm tinh giảm bộ máy của ngành là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, Trung tâm hiện có các phòng chức năng gồm Tổ chức - Hành chính, Quản lý di sản văn hóa, trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam tại Đà Nẵng với các chức năng riêng biệt. Do đó, hoạt động chuyên môn đã được nâng lên mức cao hơn so với Phòng Bảo tồn và quản lý di sản (thuộc Bảo tàng Đà Nẵng) trước đây. Khi nhập trở lại, các ngành chức năng cần tính toán kỹ lưỡng mô hình hoạt động cho phù hợp.

“Nếu không bàn tính kỹ càng, không được nhìn nhận đúng đắn, sâu sát của các cấp quản lý thì tôi cho rằng hoạt động của Trung tâm Quản lý di sản chỉ bằng 30% so với hiện tại”, ông Tuấn bày tỏ.

Với ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, câu chuyện “sáp nhập” ít nhiều đã có kinh nghiệm. Bởi từ năm 2011, đơn vị Nhà biểu diễn đa năng được sáp nhập vào Trung tâm Văn hóa. Theo ông Bảy, thời gian đầu cũng rất nhiều khó khăn trong bố trí công việc phù hợp với chuyên môn và ổn định tinh thần nhân viên.

“Một số anh em không biết bố trí công việc như thế nào. Có lúc tôi phải tính toán đến việc đề xuất lên cấp trên để họ vẫn hưởng lương nhưng không cần phải làm gì cả; thà như vậy còn hơn làm ì bộ máy của cả đơn vị. May mắn là sau nhiều lần sắp xếp, mọi việc đâu vào đấy. Hiện tại các nhân viên làm đều tay, công việc suôn sẻ”, ông Ngô Văn Bảy chia sẻ.

Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa thành phố tiếp tục tiếp nhận hai đơn vị sáp nhập là Trung tâm Tổ chức sự kiện và lễ hội thành phố và Trung tâm Phát hành phim chiếu bóng thành phố. Hiện nay, Trung tâm Văn hóa có 35 cán bộ, nhân viên; sau khi sáp nhập sẽ tăng lên 63 người. Với con số tăng lên gần gấp đôi hiện tại, điều ông Ngô Văn Bảy lo lắng là bộ phận hành chính - nhân sự gồm kế toán, thủ quỹ... sẽ khó bố trí công việc.

“Bộ máy khi nhập lại tất nhiên nhiều người hơn thì không tránh khỏi sự chồng chéo ở một số bộ phận. Tôi cho rằng các cấp ngành liên quan cần có cơ chế điều chuyển, bố trí phù hợp; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ để giao đúng người, đúng việc”, ông Bảy nói thêm.

Trao đổi về cơ chế sáp nhập, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT cho biết, thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020 của thành phố, Sở VHTT tiến hành theo đúng lộ trình, bắt đầu từ quý 1-2018.

“Hiện vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, song sở sẽ nghiên cứu kỹ và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là sáp nhập dựa trên nguyên tắc phải bảo đảm hiệu quả hoạt động của các đơn vị, tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực của ngành ngày càng hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HÀ THU

.