Những năm qua, mặc dù thành phố đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thực hiện hàng loạt các dự án liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ở sông Phú Lộc. Song, đến thời điểm này, vẫn bốc mùi hôi, người dân bức xúc.
Dù đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường sông Phú Lộc, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi vẫn chưa được xử lý triệt để. |
Hiện nay, mặc dù hai bên bờ sông Phú Lộc, đoạn qua các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) đã được xây kè kiên cố và trồng nhiều cây xanh. Thế nhưng, ở nhiều khu vực vẫn xảy ra tình trạng nước thải đổ ra, khiến con sông này vẫn bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, tại cửa sông Phú Lộc ngay đoạn đổ ra biển, khi trời nắng mùi hôi rất nặng. Dưới sông, nước đen ngòm, đầy cặn và bọt nổi lềnh bềnh trên mặt sông.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sông Phú Lộc hiện đang là nơi tiếp nhận 3 nguồn nước thải chính gồm: nguồn nước rỉ rác của bãi rác Khánh Sơn khi việc xử lý nước thải này chưa đạt yêu cầu; do nước thải chưa được xử lý từ khu vực giết mổ gia súc gia cầm Đà Sơn; sông Phú Lộc chịu áp lực của những công trình thi công Khe Cạn gây ô nhiễm. Chưa kể do đặc thù của hệ thống sông Phú Lộc chịu ảnh hưởng của triều cường, nước thải khó thoát được nên lưu cữu và gây ra tình trạng bốc mùi hôi thối.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) Đà Nẵng cho rằng, do vị trí cửa sông Phú Lộc tiếp giáp với vịnh Đà Nẵng, là nguồn tiếp nhận lượng nước thải sau xử lý của Trạm XLNT Phú Lộc. Song, công nghệ Trạm XLNT Phú Lộc đang áp dụng là công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nên nước thải khi ra môi trường vẫn còn mùi hôi. Hơn nữa, tình trạng bồi lắng tại cửa xả sông Phú Lộc cũng ảnh hưởng đến mùi hôi phát tán tại khu vực. Cùng với đó, nước thải trong các khu dân cư và chợ hải sản cũng góp phần làm cho tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn.
Cũng theo ông Mã, để giảm thiểu tình trạng ÔNMT ở sông Phú Lộc, công ty thường xuyên sử dụng các chế phẩm khử mùi để giảm thiểu mùi hôi. Tại Trạm XLNT Phú Lộc, công ty thường xuyên bổ sung men xử lý mùi cho các bể xử lý. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đầu tư cải tạo, nâng cấp Trạm XLNT Phú Lộc với công suất xử lý 40.000m3/ngày đêm. Đến nay, trạm đã hoàn thành quá trình cải tạo và được thành phố giao cho Công ty CP kỹ thuật SEEN - đơn vị thi công vận hành trạm trong thời gian chờ UBND thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị vận hành. “Cùng với những giải pháp của Công ty thoát nước và XLNT, thời gian qua, thành phố cũng đã cho xây dựng trạm bơm tạm thời tại kênh B24 để đưa nước thải từ mương Khe Cạn về Trạm XLNT Phú Lộc; lắp đặt bổ sung hệ thống đóng mở tại 2 cửa xả lớn Yên Khê 1, Yên Khê 2; bảo dưỡng các van lật tại cửa xả còn lại không để nước thải chảy ra sông. Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên cũng chưa thể giải quyết dứt điểm ÔNMT tại khu vực này”, ông Mã cho hay.
Theo ông Lê Quang Nam, thời gian qua, các sở, ban, ngành của thành phố đã thực hiện nghiêm túc nhiều giải pháp để cải thiện môi trường sông Phú Lộc. Bên cạnh đó, sở cũng yêu cầu Công ty CP Procimex Việt Nam (đơn vị chủ dự án Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm) xây dựng hệ thống XLNT để xử lý nước thải phát sinh trước khi thải ra môi trường; đồng thời yêu cầu các đơn vị xả thải lớn vào hệ thống sông Phú Lộc tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Sở cũng đã đưa ra nhiều phương án, đề xuất đối với việc giảm thiểu ô nhiễm cho sông Phú Lộc, tuy nhiên để giải quyết dứt điểm ô nhiễm tại sông Phú Lộc thì cần phải có thời gian.
Bởi hiện nay, hàng loạt các dự án liên quan đến vấn đề xử lý ÔNMT cho sông Phú Lộc hiện vẫn chưa thể hoàn thành. Cũng theo ông Nam, nếu đến năm 2020, Đà Nẵng đóng cửa bãi rác Khánh Sơn và áp dụng công nghệ mới thì nước rỉ rác sẽ giảm đáng kể, nguy cơ ô nhiễm sông Phú Lộc từ nước rỉ rác cũng được giảm thiểu. Cùng với đó, việc thi công công trình Khe Cạn hoàn thành mới giảm bớt được áp lực nước thải đổ ra sông Phú Lộc.
Bài và ảnh: Trọng Hùng