Ước mơ trở thành nhà sáng chế trẻ

.

Đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng Nguyễn Lê Lý Bằng, Võ Thị Thanh Tuyền - nhóm tác giả đoạt giải nhì và Phạm Duy Thanh Minh - tác giả đoạt giải ba cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh-thiếu niên - nhi đồng toàn quốc lần thứ 13 năm 2017 đã tạo nên những sản phẩm đầy tính thực tế, tiết kiệm và dễ ứng dụng.

Ngoài giờ học, Bằng và Tuyền luôn tìm hiểu thông tin về các cuộc thi sáng tạo để đăng ký tham gia.
Ngoài giờ học, Bằng và Tuyền luôn tìm hiểu thông tin về các cuộc thi sáng tạo để đăng ký tham gia.

Với mô hình “Thiết bị hỗ trợ nhận diện âm thanh cho người khiếm thính”, Lý Bằng và Thanh Tuyền (lớp 12A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) mong muốn tạo ra một sản phẩm phù hợp cho người gặp khó khăn ở chức năng nghe. Bằng và Tuyền cho biết, người khiếm thính gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là khi không thể nghe được tiếng còi báo cháy, còi xe, còi báo động...

Mặc dù có máy trợ thính, song việc đeo máy liên tục, kể cả khi di chuyển trên đường cũng sẽ có hại cho tai. Vì thế, Bằng và Tuyền đã nảy sinh ý tưởng thiết kế thiết bị hỗ trợ người bệnh nhận biết được âm thanh đáng chú ý qua xúc giác mà không cần đeo máy trợ thính toàn thời gian. Theo đó, chức năng chính của sản phẩm là nhận diện, phát hiện những âm thanh báo động hay những âm thanh có thể nguy hiểm đến người sử dụng, sau đó rung lên để cảnh báo.

Thiết bị sử dụng pin sạc, không gây vướng víu cho người dùng, dung lượng pin đủ cho 1 ngày sử dụng. Thời gian tới, Bằng và Tuyền tiếp tục cải thiện tính chính xác của thiết bị; đồng thời, nghiên cứu nâng cấp thêm tính năng nhận diện giọng nói chuyển thành văn bản cho thiết bị. Khi sản phẩm hoàn thiện, Bằng và Tuyền mong muốn sản phẩm sẽ được thương mại hóa nhằm mang lại một công cụ hỗ trợ đắc lực cho những người bị khiếm thính.

Một đề tài khác xuất sắc đoạt giải ba trong cuộc thi là mô hình “Sử dụng lại đèn huỳnh quang, đèn compact bị hỏng không qua tái chế bằng cuộn Tesla mini” của Thanh Minh (lớp 10/1 Trường THPT Phan Châu Trinh). Minh nói: “Em tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp quận từ lớp 9, nhưng đây là lần đầu tham gia giải toàn quốc”.

Quan sát thấy đèn huỳnh quang khi hỏng bị vứt đi, nếu bất cẩn giẫm phải sẽ gây thương tích; còn nếu thu gom lại để tái chế, tạo ra một bóng đèn mới thì sẽ tốn nhiều chi phí, Minh nghĩ ngay đến việc chế tạo một chiếc máy có khả năng làm sáng đèn huỳnh quang, đèn compac đã bị hư. Minh cho biết, để làm ra sản phẩm, em đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về cuộn Tesla, từ đó ứng dụng làm ra cuộn Tesla mini nhằm thắp sáng bóng đèn huỳnh quang, tạo thành chiếc đèn được sử dụng bởi những bóng đèn đã bị hư, chỉ cần sử dụng nguồn điện 5-6V gọn nhẹ, an toàn. Sáng chế của Minh không nằm ngoài mục đích hạn chế việc vứt bỏ đèn huỳnh quang bị hỏng và tái sử dụng đèn mà không cần qua tái chế.

Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh - thiếu niên - nhi đồng lần thứ 13 thu hút sự tham gia của đông đảo thanh, thiếu nhi thuộc 56 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cuộc thi tập trung vào 5 lĩnh vực: Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; đồ dùng dành cho học tập; sản phẩm thân thiện môi trường; phần mềm tin học. Trong 741 đề tài tham gia dự thi, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 106 đề tài sáng tạo tiêu biểu.

Đà Nẵng có 50 đề tài dự thi gồm 26 phần mềm và 24 mô hình; trong đó, có 9 đề tài đoạt giải. Ngoài 2 giải trên, Đà Nẵng cũng giành thêm 3 giải ba cho các phần mềm “SmartBots-Giải pháp nhà thông minh cho mọi ngôi nhà”, “Hệ thống cấp phát thuốc bán tự động”, “Ứng dụng đánh giá chất lượng mặt đường” và 4 giải khuyến khích cho các phần mềm “Ihand - Phần mềm hỗ trợ sử dụng máy tính từ xa”, “Giúp bé làm quen với chữ và số”, “Hệ thống Smart Garden” và phần mềm “Website người bảo vệ bạn tốt nhất là chính mình”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.