Những năm qua, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) đã phát hiện, trực tiếp giúp đỡ và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng trăm trường hợp nghèo khó do bệnh tật. Đa phần các trường hợp được giúp đỡ đã cải thiện cuộc sống, có điều kiện chữa trị bệnh tật.
Ông Trần Phương Trung (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) nhận bò do Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội trao tặng. |
Từng lăn lội với công tác xã hội vài chục năm nay, gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, thế nhưng khi bước chân vào ngôi nhà của bà Hồ Thị Lan (tổ 35, phường Chính Gián, quận Thanh Khê), chị Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm vẫn thực sự ám ảnh. Ở tuổi 80, ngoài bệnh tuổi già, bà Hà Thị Lan còn đối mặt với căn bệnh trầm cảm từ vài năm nay do quãng thời gian dài nuôi cả 3 con bị bệnh. Hơn một năm trước, gia đình bà Lan được các nhân viên Trung tâm tìm đến và giúp đỡ. Gia đình được tặng một máy giặt công nghiệp và một máy may để hai người con của bà Lan làm thêm công việc giặt ủi và may vá. Không những vậy, qua giới thiệu của Trung tâm, gia đình bà Lan được một đơn vị giúp sửa nhà để yên tâm làm ăn. Thoát được cảnh chạy ăn từng bữa, bệnh tình của bà Lan cũng có phần ổn định hơn.
Hoàn cảnh của ông Võ Thanh Kỳ (tổ 55, phường Hòa Quý) cũng là một trường hợp khó khăn được Trung tâm hỗ trợ. Mưu sinh bằng nghề bắt cá trên sông nhưng ông Kỳ không có ghe đánh bắt, thậm chí ngôi nhà cũng chỉ là mái lều rách nát. Cuộc sống cơ cực khiến căn bệnh bại liệt của hai người con của ông ngày càng nặng thêm. Qua giới thiệu của Trung tâm, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã quyên góp giúp ông làm được ngôi nhà nhỏ, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố tặng cho gia đình 1 chiếc ghe, Trung tâm còn tặng gia đình ông 1 chiếc máy nổ. Ông Kỳ xúc động tâm sự: Vợ chồng tôi suốt ngày lo làm nhưng cũng không đủ ăn lấy đâu ra thuốc thang cho hai đứa con bại liệt và làm lại căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Thật mừng là Trung tâm đã tìm đến tận đây và giúp đỡ chúng tôi không chỉ phương kế làm ăn mà cả việc sửa chữa ngôi nhà. Chúng tôi rất biết ơn.
Những năm qua, Trung tâm đã phát hiện, trực tiếp giúp đỡ và kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng trăm trường hợp nghèo khó do bệnh tật. Sau khi được hỗ trợ giúp đỡ, đa phần các trường hợp trên đều cải thiện cuộc sống, có điều kiện chữa trị bệnh tật. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Yến, để công tác hỗ trợ được hiệu quả hơn, các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương cần có phối hợp nhịp nhàng hơn nữa. Có những trường hợp nhân viên Trung tâm phát hiện được đối tượng cần hỗ trợ, nhưng khi làm việc với chính quyền địa phương thì địa phương lại không nắm được thông tin cụ thể về đối tượng đó. Không ít người nghèo bị bệnh tật “đeo bám” nhưng do tâm lý tự ti, mặc cảm nên không chủ động thông báo cho chính quyền địa phương… Nếu tháo gỡ được những tồn tại này thì sẽ có nhiều gia đình, nhiều mảnh đời bớt đi cảnh nghèo khó.
Bài và ảnh: THANH VÂN