Mở lối xuống biển: Chủ trương hợp thực tiễn, hợp lòng dân

.

Xung quanh vấn đề mở lối xuống biển mà Báo Đà Nẵng đã phản ánh trong tuyến bài “Mở lối xuống biển” (số báo ra ngày 26, 27, 29 và 30-1), TS.KTS Tô Văn Hùng (ảnh), Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân, nâng cao chất lượng không gian và tiện ích đô thị, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Với bãi cát dài trải rộng, những con đường đi bộ ven biển sẽ là điểm nhấn đặc biệt dành cho người dân và du khách đến Đà Nẵng.  					          Ảnh: THU HÀ
Với bãi cát dài trải rộng, những con đường đi bộ ven biển sẽ là điểm nhấn đặc biệt dành cho người dân và du khách đến Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

TS.KTS Tô Văn Hùng cho biết:

- Nhu cầu tiếp cận biển của người dân là nhu cầu cơ bản. Việc đáp ứng nhu cầu này là trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý và khai thác tài nguyên biển. Nhu cầu này cũng đã được cụ thể hóa thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo điều chỉnh bổ sung năm 2016, trong đó nội dung cơ bản như sau:

“Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng phù hợp với chức năng của từng khu vực biển và trong giới hạn chịu tải của môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển”.

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27-7-2015 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

“Tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu vực ven biển, làm cơ sở quản lý, kiểm soát phát triển các dự án ven biển; đảm bảo quỹ đất bố trí khu dịch vụ công cộng, công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng phục vụ dân cư và khách du lịch”...

Từ những căn cứ trên, theo tôi, chủ trương mở lối xuống biển cho người dân cũng như du khách hưởng thụ không gian biển là rất kịp thời và cấp thiết.

* Việc mở các lối xuống biển trên cơ sở thu hồi phần đất của một số dự án có đáp ứng nguyện vọng lâu dài của người dân hay không, thưa ông? 

- Tôi cho rằng, đây không chỉ là mở lối xuống biển mà phải hiểu là chủ trương tổ chức không gian công cộng ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục - thể thao của người dân và du khách.

Do đó, cần điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở rà soát tình hình xây dựng và hiện trạng đô thị thực tế, bố trí các công trình công cộng, không gian cộng đồng ven biển theo hướng gắn kết với không gian chức năng đô thị hiện hữu, tuân thủ quy chuẩn xây dựng để xác định rõ công trình gì, quy mô diện tích bao nhiêu, phân bố công trình như thế nào là phù hợp.

Cụ thể, sẽ tạo ra các không gian quảng trường ven biển, các bãi tắm công cộng, bãi đỗ xe, lối đi để người dân tiếp cận biển... Cạnh đó, việc xây dựng một tuyến đường đạp xe, đi bộ ven biển dọc các khu nghỉ dưỡng là ý tưởng hay, cần sớm được cụ thể hóa trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, vừa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cộng đồng, vừa tăng cường khả năng phòng chống sạt lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu.

Năm 2018 sẽ triển khai mở lối xuống biển ở trên cống và mương thoát nước ra biển, giữa dự án Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana.   						                 Ảnh: HOÀNG HIỆP
Năm 2018 sẽ triển khai mở lối xuống biển ở trên cống và mương thoát nước ra biển, giữa dự án Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Các dự án khu du lịch ven biển đã, đang và sẽ triển khai theo đúng quy hoạch được duyệt. Theo ông, chủ trương mở lối xuống biển có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố hay không?

- Quy hoạch đô thị mang tính định hướng lâu dài, đồng thời cũng có tính linh hoạt, đáp ứng thực tiễn phát triển. Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch là công việc thường xuyên trong trong tác quản lý quy hoạch đô thị.

Có thể trước đây, chúng ta chưa chú trọng việc dành đất để tổ chức các không gian công cộng và thực tế người dân khi còn phải lo cơm ăn, áo mặc thì chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu về tinh thần. Nhưng nay khi đời sống được nâng cao, khi đã có cơm ngon, áo đẹp, đòi hỏi phải có các bãi tắm công cộng, có lối xuống biển, hay nói rộng ra là cần nhiều hơn tiện ích đô thị.

Không gian cộng đồng cũng là điều tất yếu của quy luật phát triển. Trước thực tiễn đặt ra như vậy, theo tôi, cần sớm triển khai điều chỉnh quy hoạch không gian ven biển.

Tất nhiên, việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến một số dự án ven biển. Do đó, cần chú trọng rà soát thật kỹ tổng thể các dự án để điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng dân cư và doanh nghiệp đầu tư.

Thiết nghĩ, các nhà đầu tư cũng sẽ chung tay với thành phố vì lợi ích chung của cộng đồng, giải pháp điều chỉnh quy hoạch hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến các dự án ven biển đã và đang triển khai. Đời sống người dân được nâng cao đồng nghĩa với việc thành phố ngày càng văn minh, cũng chính là yếu tố quan trọng tạo sức hút cho du lịch.

Như vậy, khi lợi ích cộng đồng được đáp ứng, yếu tố tinh thần được thỏa mãn thì tất yếu mang lại giá trị gia tăng rất lớn và bền vững về kinh tế. Đây là điều mà chắc chắn các nhà đầu tư đều nhận ra.

Tóm lại, tôi cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển của các nước tiên tiến. Với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của các doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh quy hoạch đang triển khai thì nhất định sẽ đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân, nâng cao chất lượng không gian và tiện ích đô thị, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

* KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch thành phố, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam: Quyết tâm thì làm được

Theo tôi, việc mở lối xuống biển quan trọng là có quyết tâm thực hiện hay không mà thôi. Cách đây hơn 20 năm, thành phố đã quyết tâm mở rộng một số con đường lớn như đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh… và đã làm được, vậy thì tại sao nay mình muốn mà không làm được.

Với những chỗ xây tường bít kín, phải có biện pháp phù hợp, nếu cần thì nên đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp để có thể mở đường xuống biển, còn những vị trí chưa xây thì nên lấy lại 5-10m bề ngang để mở lối đi xuống. Các bên phải chấp nhận “hy sinh” một chút lợi ích thì sẽ hình thành được con đường lớn.

Về mặt pháp lý, quy hoạch còn thiếu sót thì có thể chỉnh sửa sao cho phù hợp. Quan trọng là làm sao để doanh nghiệp cũng như người dân đồng tình và để doanh nghiệp hiểu đây là chủ trương đúng của thành phố.

Có thể thành phố nên mời tất cả các doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động lưu trú ven biển để nói về chủ trương này, trong việc trả hoặc bán lại một phần đất cho thành phố, hoặc thành phố có thể đền bù, hoán đổi đất để có đường đi xuống biển cho người dân.

Ngoài ra, chủ trương mở đường đi bộ và đi xe đạp ven biển rất có giá trị, không phải đầu tư nhiều, có thể đó là con đường cát cũng được, chỉ cần chia làn…, khi đó sẽ góp phần xác định chủ quyền biển là của chung chứ không của riêng ai. Khi có đường ngang, các khu nghỉ dưỡng sẽ phải tự làm hàng rào để bảo vệ cho khách của họ, lúc này không gian biển sẽ được trả lại cho người dân và du khách.

* Ông Nguyễn Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị: Năm 2018, hoàn thành lối xuống biển đầu tiên

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị được UBND thành phố giao điều hành các dự án mở lối xuống biển. Thành phố đã bố trí 10 tỷ đồng để thi công lối xuống biển đầu tiên nằm giữa dự án khu du lịch Furama và quần thể đô thị quốc tế Ariyana, sẽ hoàn thành trong năm 2018. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư các dự án mở lối xuống biển còn lại theo sự phân công của UBND thành phố.

* Ông Phan Minh Thành (trú đường Hoàng Công Chất, quận Ngũ Hành Sơn): Cần đề nghị các chủ khu nghỉ dưỡng chung tay mở đường

Cả đoạn bờ biển dài mà chỉ có một bãi tắm Sơn Thủy nên vào mùa hè, người dân từ nhiều nơi đổ xuống bãi tắm Sơn Thủy rất đông, nhất là những ngày nắng nóng. Cử tri và người dân quận Ngũ Hành Sơn đã nhiều lần kiến nghị thành phố mở thêm nhiều lối đi bộ xuống bãi biển.

Do đó, thành phố cần quyết liệt đề nghị các chủ khu nghỉ dưỡng chung tay mở đường, vì không chỉ người dân, du khách được lợi mà khu nghỉ dưỡng cũng được hưởng lợi rất nhiều từ các dự án đường xuống bãi biển này.

Riêng tuyến đường ven biển, những đoạn đang có bãi cát rộng và không bị biển xâm thực thì chỉ cần lát đá cho dễ đi xe đạp, rồi kết hợp trồng dừa, cây lông chông, hoa muống biển... tạo cảnh quan hai bên đường, làm đẹp cho khu nghỉ dưỡng và đưa bờ biển, bãi biển trở lại với cây cỏ hoang sơ như trước đây để tạo thích thú cho du khách. 

HOÀNG HIỆP - THU HÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.
.