Niềm tin không tắt

.

Cơn mưa phùn ngày cuối năm cộng thêm những cơn gió buổi sớm của vùng núi Hòa Bắc khiến cái lạnh càng thêm buốt. Bất chấp tất cả, hơn 500 phụ huynh, người thân của gần 500 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Xã hội Bầu Bàng vẫn tề tựu khá sớm và đông đủ trong hội trường vừa được cơ sở dựng tạm cho buổi gặp mặt hằng năm.

Nhờ được chơi thể thao cùng với phác đồ điều trị thân thiện nên các học viên đều cắt được cơn nghiện.            Ảnh: THANH VÂN
Nhờ được chơi thể thao cùng với phác đồ điều trị thân thiện nên các học viên đều cắt được cơn nghiện. Ảnh: THANH VÂN

Là người cuối cùng đến buổi gặp mặt, chị T. nói như thanh minh: “Chiều qua nhận giấy mời là tôi quyết định mai nghỉ bán để lên đây thăm chồng, nhưng chiếc xe cà tàng cứ chết máy nên bây giờ mới đến được”. Rồi chị quay sang tâm sự với chúng tôi như muốn trút bớt gánh nặng trong lòng: Em ở Huế vô Đà Nẵng bán trái cây ở chân cầu vượt Hòa Cầm, rồi gặp anh là người Quảng Nam ra Đà Nẵng làm thợ hồ. Gặp và thương nhau về ở chung nhà trọ, hai đứa con lần lượt ra đời trong sự thiếu thốn nhưng vẫn vui vì thấy con khôn lớn từng ngày. Cách đây khoảng 2 năm, thấy anh mỗi lần “hút thuốc” lại cười rất nhiều, đôi lúc còn nói lung tung, hỏi thì anh trả lời “anh hút thuốc lào”. Đúng 9 tháng trước, khi công an đến nhà thông báo anh đang sử dụng ma túy, buộc phải đưa về Cơ sở Xã hội Bầu Bàng cai nghiện, em như chết đứng. Anh đi cai nghiện, một mình em lo hai đứa con là quá sức chịu đựng, nhưng không biết làm sao!”.

Ngồi sát bên chị T. là bà L. nhà ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà). Bà tâm sự chua chát: “Tôi lên đây thăm thằng con trai út bị nghiện 3 năm nay rồi. Cứ cai xong về thì lại nghiện tiếp. Tôi xin con rồi năn nỉ con nghĩ về mẹ mà đừng hút nữa. Lần nào con cũng hứa nhưng thực ra nó giấu tôi. Bây giờ vợ nó bỏ đi để lại đứa con 4 tuổi, tôi thì đã 67 tuổi rồi không biết làm sao lo cho tương lai cháu nội”...

Phía sau bức tường rào cao hơn 4 mét là tâm sự đầy nước mắt của những học viên lỡ vướng vào ma túy. Đang tưới mấy khóm hoa trước phòng, nghe chúng tôi hỏi có nhớ nhà không, T. (ở quận Ngũ Hành Sơn) gần như thay đổi hẳn, giọng trầm buồn: “Em còn nhà đâu mà về anh. Ba của em đã phải 3 lần bán nhà đổi chỗ ở để em “cắt đuôi” đám bạn nghiện ngập, nhưng rồi lần nào về em cũng bị lôi kéo. Mới đây ba lên thăm có thông báo là đã bán nhà lần thứ tư và chuyển về Quảng Nam ở, nhưng không cho em biết. Nghe ba nói, nhìn ba già đi nhiều em thấy mình có lỗi quá”.

Theo báo cáo của Cơ sở Xã hội Bầu Bàng với phụ huynh và người thân của học viên, trong năm 2017, cơ sở đã tiếp nhận 676 học viên mới, với tổng số học viên vào cai nghiện trong năm lên 1.185 người. Trong số này có 663 người hoàn thành chương trình cai nghiện được cho về với gia đình, hòa nhập xã hội. Để có con số khá ấn tượng về số học viên tiến bộ này, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hùng Hiệp cho biết, cơ sở đã quyết tâm theo đuổi phương pháp cai nghiện thân thiện và khoa học. Tất cả học viên đều được điều trị cắt cơn theo phác đồ của Bộ Y tế, ngoài ra còn được hỗ trợ châm cứu, uống thuốc nam kết hợp với các biện pháp tư vấn tâm lý, vật lý trị liệu, xông hơi giải độc. Cuối ngày, học viên được tham gia hoạt động thể thao như bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá. Đặc biệt, cuối tuần học viên còn được hát karaoke để giải trí. Thời gian trong ngày, tất cả học viên đều được học nghề phù hợp. Chính vì có nhiều yếu tố tích cực tác động nên gần như 100% trường hợp vào cơ sở đều tăng cân và cắt được nghiện, sức khỏe cải thiện rõ rệt, tinh thần vui vẻ và hòa đồng hơn.

Sau khi được thăm con và tham quan cơ sở vật chất của Cơ sở Xã hội Bầu Bàng, ông R. ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) vui vẻ cho biết, con ông đã tăng gần 5kg so với ngày “nhập trại”. Nhưng vui nhất là con đã biết được nghề đan lưới và làm giày, cảm giác thèm thuốc cũng mất hẳn từ 2 tháng nay. Thời gian đến, nếu tiếp tục tiến bộ, con ông sẽ được về với gia đình.

Buổi gặp mặt thân nhân với gia đình học viên kết thúc lúc trời hết mưa và bắt đầu hửng nắng. Phụ huynh, người thân của các học viên lần lượt ra về trong cảm giác vui mừng khi con cái, người nhà của họ có tiến bộ bước đầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Hiệp, không thể chỉ trông chờ vào những tháng ngày cắt cơn, cai nghiện tại cơ sở mà rất cần sự chung tay chia sẻ, động viên thường xuyên, liên tục của gia đình, người thân và cộng đồng để thức tỉnh người nghiện khỏi những cơn mê muội của ma túy...

THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.