Chiều 7-3, Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử thành phố tổ chức hội thảo khoa học cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh, nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (20-2-1818 - 20-2-2018). Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cùng đông đảo nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu tham dự.
Tại hội thảo, có 8 tham luận được trình bày cùng nhiều ý kiến đánh giá về tài năng, đức độ, vai trò, cống hiến của tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh đối với quê hương, đất nước. Các đại biểu đánh giá cao vai trò của Đỗ Thúc Tịnh trong việc xây dựng Văn chỉ La Châu trong 3 năm 1850-1852, khẳng định ông là người chấp bút viết bài văn bia dựng trước Văn chỉ La Châu với nội dung hết sức sâu sắc. Hội thảo nêu bật sự kiện Đỗ Thúc Tịnh tình nguyện xin vào Nam Kỳ đánh Pháp và sau khi vào Nam Kỳ đã tổ chức chiêu mộ binh sĩ, lương thực, đề ra nhiều phương lược chống Pháp cứu nước; chủ trương phối hợp hành động chống Pháp cùng với Trương Định, Thiên Hộ Dương, Thủ khoa Huân; đóng góp vào chiến công đốt cháy chiến thuyền Espérance và đánh đắm tàu Ma-Nha của giặc Pháp trên sông Nhật Tảo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực. Ông có vai trò to lớn trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược dân tộc ta. Sự dấn thân vì dân, vì nước của Đỗ Thúc Tịnh đã được triều đình Nhà Nguyễn ghi nhận: “Năm Tự Đức thứ 14, ông được điều về kinh, thăng chức Hữu Thị lang Bộ Binh, được thưởng Huy chương “Rồng vàng”.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: Cuộc đời và sự nghiệp của tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh là tấm gương sáng ngời trên 3 lĩnh vực: hiếu học; vì nhân dân phục vụ; yêu nước và chống ngoại xâm. Ông Bùi Văn Tiếng đề xuất lãnh đạo thành phố có giải thưởng học sinh giỏi mang tên Đỗ Thúc Tịnh, đồng thời các cơ quan chức năng cần truyên truyền, giáo dục về tấm gương Đỗ Thúc Tịnh cho thế hệ trẻ.
Đỗ Thúc Tịnh (còn có tên là Đỗ Thúc Tĩnh và Đỗ Như Chương) tự là Cấn Trai, người xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Từ nhỏ, ông đã thông minh, học giỏi. Cha là Đỗ Như Tùng, tự là Mậu Hiên, hàm Hàn lâm viện thị giảng. Mẹ là Đinh Thị Thoại, một phụ nữ mẫu mực về đức hạnh và trọng chữ nghĩa. Gia đình họ Đỗ quê gốc ở tỉnh Quảng Ngãi, đến lập nghiệp tại huyện Hòa Vang từ thời chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh. Sau khi đến Hòa Vang, gia đình ông Đỗ Như Tùng trú làng La Châu, tổng Phước Tường Thượng. Ông Tùng đỗ hai khoa tú tài (năm 1819 và 1821). Còn Đỗ Thúc Tịnh đỗ tiến sĩ năm 1847. Theo cuốn Hòa Vang huyện chí thì Đỗ Như Tùng là “tú tài khai khoa” và Đỗ Thúc Tịnh là “tiến sĩ khai khoa” (khai khoa: đỗ đầu tiên) của Hòa Vang. Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm tri huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) và tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), Án sát và Bố chánh tỉnh Khánh Hòa dưới thời Tự Đức.
LÊ VĂN THƠM