Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng: Hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu giá 'đất vàng'

.

Cùng tham gia trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý đất đai, sáng nay (5-6), Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng cho biết, sẽ tăng quản lý đất đai, trong đó, sẽ chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đấu giá "đất vàng".

10:38 

Từ 10 giờ 30, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3: Thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội; Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

10:30 

Kết luận về phiên chất vấn và trả lời chất vấn dành cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đã có 59 đại biểu đặt câu hỏi, trong đó có 17 đại biểu tranh luận.

Còn 24 đại biểu đặt câu hỏi chưa được trả lời tại hội trường, Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản sau. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, trên tinh thần đổi mới của hoạt động chất vấn của Quốc hội. Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng đã trả lời rất rõ ràng, thẳng thắn, nhận trách nhiệm đối với những mặt còn thiếu sót, hạn chế, tồn tại và cũng đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để khắc phục trong thời gian tới... Nhân ngày Môi trường Thế giới 5/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội gửi tới Bộ trưởng và toàn bộ công chức, viên chức và những người lao động làm trong lĩnh vực môi trường lời chức sức khoẻ, hạnh phúc.

10:21

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, do đến thời điềm này (10g20 - PV) đã hết thời gian dành cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, nên các câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng trả lời bằng văn bản tới các đại biểu.

10:17 

Với vấn đề biến đổi khí hậu được các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng cho biết: Thực hiện Nghị quyết 24/2013 của BCH TƯ đảng về ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo. Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP 2017 phát triển đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bộ ngành và địa phương phải thực hiện có hiệu quả dựa theo nguồn lực địa phương. Chuẩn bị thực hiện các dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển mà Chính phủ đã cấp 1.500 tỷ đồng. Tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực liên quan đến địa phương mình để thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thời gian tới Chính phủ sẽ đôn đốc các địa phương thực hiện đúng theo Nghị quyết 120.

10:15 

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, hiện công tác thu hồi đất bồi thường tái định cư còn nhiều bất cập, đặc biệt là xác định giá đất bồi thường còn thấp so với thị trường. Từ đó, đại biểu chất vấn Bộ trưởng, những bất cập này sẽ được giải quyết như thế nào? Cũng theo đại biểu Đặng Thuần Phong, với những vụ việc nóng như Thủ Thiêm cho thấy người dân rất quá thiệt thòi. Vậy thời gian tới Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề quyền và lợi ích cho người dân liên quan tới đất đai, đặc biệt là những vụ việc nóng như Thủ Thiêm?

10:05 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giải đáp các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm: Về vấn đề quản lý đất đai, Phó Thủ tướng cho biết: Những năm qua, quản lý đất đai đã có chuyển biến, góp phần lập lại trật tự. Tuy nhiên, quản lý đất tại một số nơi còn hạn chế. Quy hoạch đất đai còn chưa quy hoạch không gian công cộng cho người dân, dẫn đến tình trạng bãi biển không có lối xuống, quá nhiều dự án nhà ở, resort. Giao đất chưa căn cứ vào kế hoạch phát triển đất địa phương khiến nhiều dự án không được triển khai gây lãng phí. Tình trạng mua bán đất trái phép tại 3 đặc khu tương lai đã được chấn chỉnh nhưng còn phức tạp. “Chính phủ đã chấn chỉnh song còn nhiều bất cập. Thời gian tới cần thực hiện theo đúng Chỉ thị 01/2018 về quản lý đất đai của Thủ tướng”, Phó Thủ tướng đề nghị. Cụ thể, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá đất vàng tại các địa phương, rà soát quy hoạch đô thị dành không gian cho mục đích công cộng như bãi biển, điểm giữ xe…

10:01

Tiếp tục phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đến giờ này (10 giờ -PV), vẫn còn 24 đại biểu chờ đến lượt chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

09:40 

Trước khi giải lao trong phiên chất vấn sáng nay, các đại biểu tiếp tục chất vấn Bộ trưởng về việc tại sao hiện nay ở khu đô thị vẫn chưa thể xử lý rác thải tại nguồn, khi nào thì thực hiện được điều này. Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng nêu thực trạng tình hình sạt lở phức tạp tại ĐBSCL. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết quyết liệt, hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 2018 cùng các nguồn khác. "Bộ trưởng sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan có kế hoạch cụ thể để thực hiện rõ ràng hơn trước mắt và lâu dài thế nào?", đại biểu Tuyết nêu câu hỏi. Liê quan đến tình hình quản lý đất đai tại DNNN trước khi cổ phần hoá còn nhiều kẽ hở gây thất thoát ngân sách nhà nước, đại biểu Tuyết cũng chất vấn: "Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào các trường hợp vi phạm và giải pháp trong thời gian tới?".

09:35 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cổ phần hóa không đúng mục đích thuộc trách nhiệm người đứng đầu DN, có trách nhiệm Bộ TNMT. Trước đây ta giao đất không thu tiền, nay thu tiền nên phải tính toán, lấy lại đất không có nhu cầu sử dụng để dùng cho mục đích khác. Cổ phần hóa vừa rồi bị thất thoát là do chưa làm tốt công tác quản lý đất. Sau khi cổ phần hóa, DN ngay lập tức chuyển đổi mục đích sử dụng, kinh doanh thương mại bất động sản. Quá trình chuyển mục đích không đưa vào đấu giá mà lại áp đặt giá rất thấp, không theo giá thị trường. Cơ quan quản lý thấy sai rồi mà vẫn để nên sau khi chuyển đổi mục đích thì giá tăng rất cao gây lãng phí cho nhà nước. “Hiện Nghị định 01/2017/NĐ-CP đã xử lý được cơ ban tình trạng này. Cần làm tốt việc đấu giá, công khai để không lợi dụng việc tính giá đất trục lợi”, Bộ trưởng nói.

09:33 

Chưa thỏa mãn phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tranh luận: “Có DN cổ phần hóa bán đất thu lời 40 tỷ đồng dù không đầu tư gì. Liệu có bao nhiêu DN như vậy? Ai là lợi ích nhóm ở đây, Bộ xử lý thế nào?”

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

09:28

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) hỏi: Trong khi đàm phán với các quốc gia trong lưu vực sông Mekong còn khó khăn, để chống sạt lở đồng bằng sông Cửu Long, tại sao không cấm hoàn toàn khai thác cát trong nước? Bộ trưởng trả lời: Hiện đã có công nghệ tạo luồng để phù sa nhiều hơn nhưng không thể như mong muốn. Bộ trưởng đồng tình khai thác cát hiện nay nghiêm trọng. Chính phủ đã có nghị định phân định rõ trách nhiệm, phân vùng cấm khai thác. "Tuy nhiên không thể cấm khai thác hoàn toàn do nhu cầu khơi thông luồng lạch cho tàu thuyền, có những khu không khai thác thì nó cũng trôi đi", Bộ trưởng nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang chất vấn. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

09:10 

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về tình trạng đất dự án để hoang hoá lãng phí, thất thoát cho ngân sách nhà nước, một số đất dự án bị lấn chiếm; Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, trước khi có Luật đất đai 2013 thì dự án treo hoàn toàn có thật. Hiện, tại nhiều đô thì lớn cũng còn tình trạng này. Nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ trưởng là khi đó chưa có quy định về năng lực nhà đầu tư cũng như chế tài xử lý. Nhưng Luật Đất đai 2013 đã quy định rõ. Nguyên nhân nữa là có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Bộ trưởng khẳng định, Bộ TN&MT đồng ý với Luật Đầu tư, nếu dự án quá 12 tháng không triển khai mà không có lý do chính đáng thì sẽ tiến hành thu hồi.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

09:07 

Bộ trưởng nhất trí với đại biểu Diến cần biến tro xỉ thành vật liệu xây dựng vì tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện rất lớn. Thủ tướng đã ban hành quyết định để sử dụng chất thải ở nhà máy điện. Đại biểu Diến tranh luận lại. Ông giải thích lại vấn đề mình quan tâm. Theo Quy chuẩn Việt Nam 07 của Bộ Tài nguyên Môi trường thì tro xỉ lại là chất thải nguy hại. Theo ông Diễn, đây là nút thắt vướng mắc khiến các DN khó tham gia vào lĩnh vực này. “Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn nhưng Bộ TNMT chưa rà soát văn bản theo yêu cầu của quyết định 452 để cởi trói cho DN”, ông Diễn nói. Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: DN phải có trách nhiệm kiểm chứng chất lượng tro bay công bố cho nhà sản xuất. Nếu có DN nào chưa rõ thì đại biểu giới thiệu với Bộ trưởng, Bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

09:05 

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt câu hỏi về việc thực hiện quyết định 452 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý tro xỉ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng, giải thích hướng dẫn cho DN được biết.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

09:04 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định là: "Nói không với nhập khẩu phế liệu". Bộ trưởng cho biết, nhập khẩu phế liệu liên quan đến nhiều loại phế liệu khác nhau, trong đó các loại như túi nilon, nhựa... rất ô nhiễm. Vì vậy, Bộ trưởng bày tỏ sự đồng tình phải có sự tính toán về vấn đề này. Riêng với phế liệu sắt, thép thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được môi trường, đặc biệt là khí thải. Trên thế giới, các lò luyện phế liệu nhiều nước phát triển vẫn đang sử dụng. Chia sẻ với đại biểu, Bộ trưởng cho biết, nếu các nhà máy nhà máy quy hoạch không đúng vị trí tập trung vào khu vực đông dân cư thì có thời điểm sẽ xảy ra ô nhiễm môi trường. Như vậy, việc cần xem xét là quy hoạch để làm sao ít ảnh hưởng đền người dân. Đồng thời tăng cường xử lý khí thải trước khi thải ra. "Còn về chủ trương nói chung, sẽ rà soát lại việc nhập khẩu phế liệu. Một số nước hiện đã nói không với nhập khẩu phế liệu, chúng ta sẽ xem cái nào là phế liệu, cái nào chất thải để xử lý...

09:00 

Tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, chiều qua khi trả lời chât vấn của đại biểu Thủy (Bến Tre), Bộ trưởng đã nêu chủ trương không nhập khẩu phế liệu, và ông hoàn toàn chia sẻ về điều này. Tuy nhiên, thực tế vừa qua nhập khẩu phế liệu rất lớn, có thời điểm mỗi ngày nhập hơn 11.000 tấn sắt phế liệu. Nhiều địa phương cũng đã xây dựng nhà máy sắt thép phế liệu. Vậy giải pháp thế nào để xử lý vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dũng chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dũng chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

08:50 

Bộ trưởng trả lời: Vấn đề quản lý hành lang bờ sông bờ biển đã có Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên môi trường biển quy định ranh giới sử dụng. Không cần thêm quy định mới. Việc giao cho tư nhân sử dụng bờ biển là không đúng. Trách nhiệm này thuộc cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Cứ căn lý vào luật làm. Ai sai phải chịu trách nhiệm. Vấn đề hồi tố các dự án được phê duyệt trước khi Luật Tài nguyên môi trường biển cần sự đồng thuận của các nhà đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo tinh thần là toàn dân được hưởng thụ môi trường biển.

08:48 

Đại biểu quan tâm bãi biển bị tư nhân hóa. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ và Bộ TNMT rà soát bờ sông, bờ biển để trả lại cho người dân, không để các nhà đầu tư chiếm hết cả bờ biển. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục vấn đề đại biểu Nghĩa nêu là bãi biển bị chặn. "Giải pháp sắp tới của Bộ trưởng thế nào để thu hồi đất cho người dân?" Ông Hòa lo ngại Phú Quốc khi trở thành đặc khu sắp tới thì sẽ tái diễn tình trạng này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chất vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

08:45 

Bộ trưởng nói đã biết tình hình này. Ông cho biết: Trình độ DN yếu kém, công tác quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu là những nguyên nhân. Hệ thống sông thủy lợi hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý: Bộ Tài nguyên - Môi trường hay ủy ban nhân dân địa phương? Thời gian tới Bộ sẽ tập trung kiểm soát vấn đề này.

08:40 

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) hỏi: "Hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang ô nhiễm nặng. Xử lý ô nhiễm dòng sông phức tạp, cần liên vùng liên tỉnh. Bộ Tài nguyên đã xử lý được bao nhiêu DN xả thải?"

08:36 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, thực tế không có người nước ngoài mua đất tại đây và cũng chưa phát hiện người nước ngoài mua đất mà chỉ mua căn hộ tại khu đô thị. Nếu đại biểu nào phát hiện thì báo vì đây là trái pháp luật.

08:35 

Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà về tình hình mua bán đất đai ở 3 đặc khu vừa qua rất phức tạp, trong đó có việc người nước ngoài mua đất, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm thông tin để sắp tới có thể ấn nút thông qua Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

08:32 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Hiện đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai đến cấp xã. Tuy nhiên tồn tại trong quy hoạch đất đai là mới đưa ra định lượng, chưa xác định vị trí địa điểm. Kế hoạch sử dụng đất không sát với thực tiễn. "Ta không kiểm soát được việc có thực hiện đúng chỉ tiêu hay không. Nếu ta làm tốt quy hoạch như đại biểu nói thì nhà nước chỉ cần phê duyệt 1 lần là được. Hiện mới phân cấp cho TP Hồ Chí Minh. Cải cách thủ tục hành chính chính là từ đây. Phân cấp phải kèm theo năng lực thực thi", Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng, nên làm tốt phê duyệt 1 lần trong 5 năm. Do chưa làm tốt nên phải rà soát cuối năm. Đại biểu Tiến chưa hài lòng nên tranh luận. Theo ông, Bộ trưởng chưa tin tưởng cấp dưới nên chưa phân cấp cho cấp dưới. Nên phân cấp mạnh dạn hơn, nếu cấp dưới vi phạm thì chịu trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm: "Có thể phân cấp theo đúng quy định của pháp luật".

08:29 
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) hỏi về vấn đề quy hoạch đất đai chưa được phân cấp cho cấp dưới.

08:15

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về câu hỏi của các đại biểu liên quan đến xử lý rác. Theo Bộ trưởng, hiện để có thể xử lý 12 triệu tấn rác cần phải huy động toàn xã hội, cần phải phân loại rác tại nguồn, chất thải rắn hiện không thể chôn lấp được nữa. Bộ trưởng cho rằng, việc xử lý rác hiện nay cần phải dựa vào khối tư nhân, và cần được hỗ trợ giá.

08:05

Đầu giờ sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

07:54 

Những vấn đề Bộ trưởng Trần Hồng Hà được chất vấn nhiều nhất là công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu... Trong đó, mối quan tâm lớn của dư luận là đất công bị xà xẻo, sau khi cổ phần hóa, chuyển nhượng rồi cho doanh nghiệp thuê với giá rẻ hoặc bỏ hoang, nhà nước thất thu; tình trạng ô nhiễm môi trường, sông chết xảy ra nhiều nơi gây bức xúc trong dư luận; khiếu kiện đất đai diễn biến phức tạp...

07:30 

Trong nửa buổi chiều hôm qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 câu hỏi chất vấn và 8 ý kiến tranh luận.

Theo Báo tin tức

;
.
.
.
.
.
.